Em bị vỡ tử cung khi mang thai 32 tuần suýt chết, các mẹ đọc chia sẻ của em để tránh nhé!

  • Home
  • Thai kỳ 9 tháng
  • Em bị vỡ tử cung khi mang thai 32 tuần suýt chết, các mẹ đọc chia sẻ của em để tránh nhé!

Mẹ con em mặc dù đã bình an rồi, nhưng giờ nghĩ lại em vẫn còn sợ quá các mẹ ạ.

Em sinh mổ tập đầu được 10 tháng tuổi, sau đó trong một lần duy nhất “tòm tem” với chồng không dùng biện pháp ngừa thai nào cả, em đã bị dính bầu. Khi phát hiện có thai em lo lắng vô cùng, không phải lo vì sợ chăm con cực mà lo vì vết mổ cũ chưa lành, mang thai gần quá sợ bị nứt vỡ tử cung.

Lúc đó thai được 2 tháng, đi khám bác sĩ khuyên là nên bỏ vì sự an toàn của mẹ, đợi 2, 3 năm nữa khi vết mổ cũ thực sự liền lại hẳn hãy có thai. Nhưng em theo đạo Phật cũng có chút hiểu biết về thế giới tâm linh nên thật sự cũng rất hoang mang không biết làm thế nào.

Chần chừ, suy nghĩ mãi, thai đã bước sang tháng thứ 3 mất tiêu, đã có hình hài của một con người rồi nên em giữ lại, mọi sự tùy duyên vậy. Thượng đế tự dưng gửi đến em một thiên thần nên chắc ngài cũng sẽ bảo vệ mẹ con em bình an vô sự.

Tháng thứ 6, thai bắt đầu to dần, tử cung cũng lớn dần lên, vết mổ vẫn trong ngưỡng an toàn. Mọi lo lắng dường như bay biến, tinh thần đã ổn và có vẻ lạc quan hơn trước. Em ăn uống bắt đầu ngon miệng hơn, cân nặng cũng tăng hơn.

Dù vậy vẫn canh cánh nỗi lo khi bác sĩ cảnh báo nguy cơ nứt vỡ tử cung có thể xảy ra nhất là những tháng cuối thai kỳ nên yêu cầu em cần tuân thủ lịch khám, theo dõi sát sao vết mổ và không được tăng cân quá nhiều. Về nhà nếu có các dấu hiệu sau – đây là các dấu hiệu dọa nứt vỡ tử cung – nên lập tức đến bệnh viện ngay:
– Đau bụng từng cơn (nhẹ hoặc đau nhiều như khi chuyển dạ);
– Sờ, ấn vào vết mổ cũ thấy đau nhói, cơn đau càng ngày càng rõ rệt;
– Người hay thấy mệt mỏi, da xanh xao, hay vã mồ hôi, khát nước… đây là dấu hiệu của mất nước do xuất huyết nội;
– Âm đạo ra máu…

Tháng thứ 7, em đi khám, mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát, em vẫn ăn khỏe ngủ khỏe không có gì bất thường. Dù vậy, bắt đầu từ tháng này trở đi, bác sĩ yêu cầu em đi khám thai thường xuyên hơn để có điều kiện theo dõi vết mổ kỹ hơn phòng nguy cơ xấu nhất có thể xảy ra. Em chu đáo ghi lại lời dặn và lịch khám của bác sĩ để tự theo dõi cơ thể mình và đi cho đúng hẹn.

Nhưng có những thứ trời tính hơn người tính các mẹ ạ, tới lịch hẹn khám thai, tầm 7,5 tháng khi em đã sắp xếp công việc đâu ra đó để sẵn sàng đi khám thì thằng con em trước đó mấy ngày chỉ sốt nhẹ thôi bỗng dưng sốt cao kèm co giật nữa, hồn vía lên mây em vội bồng còn đến bệnh viện. Thằng bé bị viêm phổi, phải nhập viện.

Bac-ninh

Thiệt tình lúc đó em tủi thân ghê gớm, bụng mang dạ chửa lại chỉ có một mình chăm con trong bệnh viện không thể cậy nhờ ai, chồng lại đi công tác nước ngoài, trách mình thì ít mà trách chồng thì nhiều . Lúc đó em cũng quên mất vụ khám thai và cái vết mổ chưa lành, cứ chăm chăm lo cho con, hết ôm rồi lại dỗ con uống thuốc, chích thuốc… rồi lại phải bế con lên xuống mấy tầng lầu của bệnh viện mua thức ăn, mua đồ dùng… Đến khi con xuất viện thì em cũng mệt phờ người. Mà ông trời sắp xếp cũng khéo ghê luôn, lúc con em xuất viện cũng là lúc chồng em về.

Trên đường đưa con về nhà bụng em bỗng dưng đau từng cơn co thắt như đau đẻ ấy, ngay chỗ vết mổ cũ có dấu hiệu nhói đau, em gọi cho bác sĩ kể tình hình bác ấy phán ngay “có thể em đã bị bục nứt vết mổ tử cung cũ rồi á, đến bác kiểm tra gấp (bác này quen với nhà em)”. Vậy là không kịp đưa con về nhà, em giao con cho chồng một mình bắt taxi đến thẳng ngay bệnh viện mà không kịp chuẩn bị gì hết. Vừa rời khỏi taxi, máu từ vùng kín của em bắt đầu tuôn ra, tội nghiệp anh taxi ốm nhom ốm nhách lật đật bế em vào phòng cấp cứu mà không phàn nàn về “sự cố” em gây ra cho ảnh chút nào, em cũng không kịp thanh toán tiền taxi cho ảnh luôn, giờ cũng không biết ảnh ở đâu để tạ ơn nữa .

Nhập viện, sau các giai đoạn thăm khám cực nhanh, bác sĩ tiên đoán tử cung em đã bị vỡ nên chỉ đạo mổ ngay kẻo không chỉ nguy hiểm đến mẹ mà còn nguy hiểm cho con. Vậy là em lên bàn mổ mà không có bất cứ sự chuẩn bị nào. Nhờ bác sĩ quen, nhờ trời Phật phù hộ, nên mọi thứ đều diễn ra an toàn và suông sẻ. Mẹ con em đã tai qua nạn khỏi, bác sĩ nói nếu em đến trễ chút xíu nữa thôi coi như… xong rồi.

Do sinh non, sức khỏe cũng yếu nên con em sau sinh ở lại bệnh viện 1 tháng sau mới được về nhà. Trộm vía giờ tập 2 của em đã được 1 tuổi rồi và sức khỏe cũng dần ổn định. Hôm nay là thôi nôi của tập 2, nhìn hai con quấn quýt nhau mà em trào nước mắt. Nghĩ lại những việc đã qua, nếu em không liều mình bảo vệ tập 2 thì không biết có ngày hôm nay không, mà nếu khi mang bầu tập 2 mẹ con em lỡ gặp chuyện gì thì… Thôi chẳng dám nghĩ nữa, sợ quá.

Mặc dù nứt vỡ tử cung không phải xảy ra với tất cả các mẹ khi mang thai quá gần nhau, nhưng cẩn thận vẫn hơn các mẹ ạ, tốt nhất chỉ nên mang thai lại sau 2, 3 năm khi vết mổ cũ đã lành hẳn. Nếu mẹ nào lỡ rơi vào trường hợp như em và không muốn bỏ con thì hãy:

 

– Thường xuyên khám thai, nhất là các buổi khám vào cuối thai kỳ;
– Tự theo dõi vết thương của mình trong suốt thai kỳ, nếu chỗ vết mổ cũ có dấu hiệu đau, hay nhấn nhẹ vào thấy đau nên đi khám ngay;
– Không nên bế em bé trên bụng hoặc làm các việc nặng kẻo vết mổ lại nứt ra;
– Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường ở tử cung nên nhập viện để được thăm khám và có hướng xử lý ngay lập tức.

Vài lời chia sẻ của em mong sẽ có ích cho các mẹ. Vỡ tử cung vẫn là một trong 5 tai biến sản khoa nguy hiểm nhất de dọa tính mạng của mẹ và trẻ. Cách xử lý tai biến vỡ tử cung là mổ để lấy thai và tùy vào mức tổn thương của tử cung có thể khâu vết rách, trường hợp xấu nhất thì phải cắt bỏ toàn bộ tử cung để cứu lấy người mẹ. Trong trường hợp của em, vì cấp cứu và xử lý kịp thời, nên cả hai mẹ con giữ được tính mạng. Tuy nhiên con em không được khỏe mạnh vì sinh non, còn em thì bác sĩ cấm luôn không được sinh nở lần nào nữa – nếu không muốn chết sớm.

 

Loading...
Tags:
Leave a Comment