Bổ sung 1 lượng vừa đủ vitamin và khoáng chất trước 3 tháng khi có kế hoạch mang thai là quyết định đúng đắn, nhằm đảm bảo cho cả mẹ và bé không bị thiếu hụt vi chất trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên bổ sung như thế nào là đúng?
Ai cũng cần thuốc bổ?
Trên thực tế, các loại “thuốc bổ” không được xem là thuốc mà là thực phẩm bổ sung, có tác dụng cung cấp thêm các chất dinh dưỡng ngoài bữa ăn của người sử dụng. Những dưỡng chất được bổ sung thường là vitamin và các khoáng chất vi lượng dễ bị thiếu hụt do ăn uống không đủ chất hoặc do bị phân hủy trong quá trình chế biến, đun nấu thức ăn. Khi chuẩn bị mang thai, hầu hết phụ nữ đều được khuyên uống bổ sung các viên đa vi chất để đảm bảo cơ thể không thiếu những dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển ban đầu của thai nhi.
Cùng Bầu Bụng Bự trả lời những câu hỏi dưới đây để chắc chắn mình có nên uống viên bổ sung hay không nhé :
- Bạn thường bỏ một bữa hoặc nhiều hơn mỗi ngày?
- Bạn bị dị ứng thực phẩm hoặc không hấp thu một số loại thực phẩm nào đó?
- Bạn có bị quầng thâm dưới mắt?
- Bạn có bị stress vì công việc hay áp lực tâm lý nào khác?
- Bạn có ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn?
- Bạn có ăn đủ 2 phần trái cây mỗi ngày?
- Bạn có ăn đủ 3 phần rau củ mỗi ngày?
- Bạn có thường xuyên bị bệnh?
- Trong chu kỳ kinh nguyệt, bạn chảy máu màu sậm hoặc đen, bị chuột rút và có cục máu đông?
- Bạn có ngủ đủ?
- Bạn có ăn ít nhất 1 loại rau có lá xanh đậm mỗi ngày?
Nếu bạn gặp phải những vấn đề kể trên, bạn đang thuộc nhóm cần bổ sung chất dinh dưỡng, đặc biệt trong giai đoạn chuẩn bị mang thai.
Vậy nên uống bổ sung vào thời điểm nào?
Bước bổ sung dinh dưỡng trong giai đoạn chuẩn bị mang thai nên được bắt đầu khoảng 3 tháng trước thời điểm bạn dự định có thai. Bởi trứng sẽ bắt đầu trưởng thành khoảng 3 tháng trước ngày rời khỏi buồng trứng (hay còn được gọi là hiện tượng rụng trứng). Việc bổ sung đúng các chất dinh dưỡng thích hợp vào lúc này chính là bước chuẩn bị tuyệt vời cho giai đoạn có tính “khởi động” nhưng lại đóng vai trò quyết định đối với sức khỏe lâu dài của bé. Nếu bạn đợi đến tận buổi khám thai đầu tiên mới bắt đầu uống các loại thuốc bổ thì đã bỏ qua mất giai đoạn chuẩn bị tối quan trọng cho sự phát triển của thai nhi rồi đấy.
Lưu ý những dưỡng chất nào thật sự cần trong quá trình mang thai :
Ba dưỡng chất quan trọng nhất mà bạn cần bổ sung từ trước khi mang thai và kéo dài ít nhất đến hết tam cá nguyệt thứ nhất, đó là axit folic, sắt và canxi.
- Axit folic giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh (những dị tật xảy ra ngay từ ngày thứ 28 sau khi thụ thai, khi ống thần kinh hình thành).
- Sắt tham gia quá trình vận chuyển oxy tối cần thiết cho sự phát triển của thai, đồng thời giúp mẹ tránh nguy cơ thiếu máu.
- Canxi là nguyên liệu chính để hình thành xương và răng của bé. Trong thai kỳ, nếu mẹ không bổ sung đủ canxi thì bé sẽ sử dụng chính canxi từ cơ thể mẹ.
Lựa chọn phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của bản thân…
Việc chọn lựa các viên uống trong giai đoạn chuân bị mang thai không phụ thuộc vào tên thuốc hay thương hiệu mà cần xem xét thành phần của viên uống. Bạn cần bác sỹ tư vấn kỹ để chọn loại nào phù hợp nhất với nhu cầu dinh dưỡng của bản thân. Chẳng hạn, nếu bạn đã có thói quen uống sữa, ăn các thực phẩm giàu canxi thì có thể bác sỹ sẽ chỉ khuyến khích bổ sung viên đa vi chất chứa axit folic và sắt. Ngược lại, khi chế độ ăn của bạn chưa cung cấp đủ lượng canxi cần thiết, bạn thường cần phải kết hợp uống cả viên đa vi chất và canxi dạng nước hay dạng viên mỗi ngày. Nhưng quan trọng nhất vẫn là bổ sung sao cho đầy đủ 3 dưỡng chất axit folic – 400 mcg mỗi ngày, sắt – 27 mg mỗi ngày và canxi – 1000 mg mỗi ngày.
Ngoài ra, hãy chú đến thành phần DHA và vitamin D trong các loại viên uống bổ sung của bạn. Các thống kê đã chỉ ra rằng, các bà bầu thường bị thiếu hụt vitamin D. Hãy đảm bảo bạn bổ sung khoảng 200 IU vitamin D mỗi ngày, kết hợp tắm nắn 2 lần mỗi tuần. Đối với DHA, bạn cần khoảng 200 mg mỗi ngày và có thể bổ sung thông qua viên uống hoặc một số loại dầu thực vật hay cá béo.
Ở giai đoạn chuẩn bị mang thai, bạn cũng nên tránh những loại thuốc bổ chứa quá nhiều vitamin A, D, E, K, bởi liều cao quá mức khuyến nghị có thể gây dị tật bẩm sinh cho bé.
-Sưu tầm/Tổng hợp-
Leave a Comment
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.