MẸ BẦU CẦN BIẾT : Ba tháng đầu mang thai ( Tam cá nguyệt đầu )

  • Home
  • Tam cá nguyệt
  • MẸ BẦU CẦN BIẾT : Ba tháng đầu mang thai ( Tam cá nguyệt đầu )

Khi mẹ nhận được tín hiệu đầu tiên của cơ thể cho biết mẹ đã có em bé đó là chậm kinh thì mẹ đã chính thức bước vào Tam Cá Nguyệt đầu tiên rồi đó !

Tam Cá Nguyệt thứ nhất ( 3 tháng đầu thai kỳ)  được tính từ tuần đầu tiên cho đến tuần thứ 13 của thai kỳ. Tuần đầu tiên trong ba tháng đầu thai kỳ, thường bắt đầu khi mẹ ở giữa chu kỳ kinh nguyệt, đó là thời gian bắt đầu diễn ra quá trình rụng trứng. Đối với đa số các mẹ thì hiện tượng này diễn ra ở khoảng ngày thứ 14 kể từ sau ngày cuối của kỳ kinh trước. Tuy nhiên, cũng còn phụ thuộc vào chu kỳ dài ngắn khác nhau của mỗi người.

Đây là giai đoạn quan trọng khi thai nhi hình thành hệ thần kinh trung ương. Và cũng là giai đoạn mẹ rất vất vả với những thay đổi trong cơ thể và triệu chứng ốm nghén hoành hành.

Vậy mẹ bầu sẽ có những thay đổi gì?

Những dấu hiệu đầu tiên của việc mang thai có thể có như sau:

  • Có những thay đổi ở bầu ngực như: đau, ngứa, tăng độ nhạy cảm ở núm vú và đen sạm ở quầng vú (vùng da xung quanh núm).
  • Đi tiểu nhiều hơn bình thường. Nguyên nhân là do khối lượng máu cũng như tử cung tăng lên, tạo áp lực lên bàng quang.
  • Cảm giác mệt mỏi thường trực, thiếu năng lượng và hay buồn ngủ. Các mẹ bầu cũng dễ cảm thấy chóng mặt, nhức đầu bởi sự thay đổi lượng đường trong máu.
  • Cảm giác buồn nôn, ốm nghén do sự thay đổi các hormone không chỉ vào buổi sáng.
  • Tâm trạng buồn rầu và dễ bị kích động. Các mẹ sẽ mau nước mắt hơn so với tính cách bình thường của họ.
  • Hoàn toàn bình thường nếu mẹ cảm thấy lo lắng về khả năng xảy thai. Tâm lý này hầu như xuất hiện ở những tuần đầu. Đó là lý do tại sao hầu hết các phụ nữ mang thai khi hết tam cá nguyệt đầu tiên sẽ cảm thấy an tâm hơn đôi chút.

Vóc dáng của mẹ thay đổi như thế nào?

  • Ở tuần thứ 12, tử cung của mẹ bắt đầu nhô ra khỏi khung xương chậu và có nhiều trường hợp sẽ thấy được bụng dưới hơi nhô lên. Tuy nhiên, dấu hiệu này không thực sự rõ ràng ở tất cả mọi người, chỉ đặc biệt rõ hơn ở những ai đã từng sinh con.
  • Ngực của mẹ cũng sẽ to hơn bình thường, do đó hãy chuẩn bị mua những chiếc áo lót cỡ lớn hơn.

Thai nhi trong 3 tháng đầu sẽ như thế nào???

Tam cá nguyệt đầu tiên là giai đoạn hình thành các cơ quan quan trọng như: Não, hệ thần kinh trung ương, mắt, cơ quan nội tạng… Giới tính của thai nhi cũng được định hình trong giai đoạn này.

Trong tuần thai đầu tiên, trứng sau khi kết hợp với tinh trùng và đi xuống tử cung để làm tổ trên thành tử cung. Tại đây các biến đổi đầu tiên bắt đầu xuất hiện, trong 4 tuần đầu các cơ quan trung ương như: não, ống thần kinh, tim bắt đầu hình thành. Trong các tuần tiếp theo, lần lượt các bộ phận trên khuôn mặt, chân tay, các cơ quan nội tạng và các nhánh thần kinh bắt đầu hình thành.

Giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên này là giai đoạn “sống còn” với thai nhi, đây là giai đoạn hình thành các bộ phận chức năng do vậy chỉ một tác động xấu nhỏ đến thai nhi lúc này đều có thể gây ra dị tật hoặc sảy thai. Qua giai đoạn này, thai nhi sẽ an toàn hơn và rủi ro dị tật sẽ biến mất.

Mẹ cần lưu ý gì trong Tam Cá Nguyệt đầu tiên?

Bởi đây là giai đoạn rất quan trọng trong quá trình hình thành của thai nhi, giai đoạn dễ gây ra dị tật nhất. Do vậy các mẹ cần đặc biệt chú ý các vấn đề dinh dưỡng, vắc xin, nghỉ ngơi và sinh hoạt thật khoa học.

Về dinh dưỡng: Hãy bổ sung các vi chất quan trọng để bé phát triển tốt như: axit folic, axit béo omega 3, canxi, kẽm, sắt..

Về sinh hoạt: Nghiêm cấm không được tắm nước nóng và sinh hoạt ở môi trường nóng trong 4 tuần đầu tiên. Bắt đầu hạn chế các bài tập thể dục nặng, các hoạt động nặng và mạnh mẽ. Sinh hoạt tình dục vẫn có thể diễn ra nhưng cần trang bị kiến thức về quan hệ khi mang thai.

Về sức khoẻ: Hãy đến gặp bác sĩ và khám thai hàng tháng (hoặc nhiều hơn hơn nếu thấy có khác lạ trong cơ thể). Bác sĩ sẽ khuyên bạn làm các xét nghiệm cần thiết, tránh các loại thuốc và các bước chuẩn bị cho 9 tháng thai kỳ.

 

Những bài viết liên quan tại mục Tam Cá Nguyệt, Bầu Bụng Bự sẽ giúp các mẹ hiểu rõ hơn về sự phát triển của thai nhi cũng như thay đổi của mẹ !

Loading...
Leave a Comment