
Vậy là mẹ đã vượt qua 1 nửa chặng đường của thai kỳ rồi ! Cơ thể mẹ và thai nhi đã có nhiều thay đổi đáng kể. Những cảm xúc hoang mang, lo lắng, sợ hãi, bất an…đã được thay bằng sự háo hức, hân hoan, vui mừng, cùng một chút an tâm. Đối với những mẹ mang thai lần đầu hẳn đây là quãng thời gian mẹ cảm thấy nhẹ nhõm và hưởng trọn vẹn hạnh phúc mang trong bụng cục cưng bé nhỏ nhất…
Từng bước chuẩn bị cho giờ G…
Bố và mẹ đã có thể bắt đầu thực hiện kế hoạch mua sắm chuẩn bị đồ dùng, phòng ngủ cho bé cưng. Trong 12 tháng đầu đời, nôi cũi sơ sinh là chỗ ngủ an toàn nhất cho bé. Hãy đặt nó ở cạnh giường của bố mẹ để tiện theo dõi và chăm sóc bé cưng. Cần cân nhắc kỹ để chọn mua những vật dụng thật sự cần thiết cho bé. Nếu tài chính eo hẹp, giải pháp tốt nhất cho mẹ và bố là mua hàng trả góp hoặc tận dụng đồ đã qua sử dụng từ bạn bè và người thân vừa có con nhỏ. Tuy nhiên, nếu mẹ dự định sẽ sinh thêm bé nữa, hãy đầu tư mua những đồ dùng tốt nhất ngay từ ban đầu để có thể sử dụng luôn cho những bé cưng còn lại.
Thay đổi về thể chất của mẹ :
- Tuần này, mẹ hay thở hổn hển và sẽ thấy mệt mỏi hơn. Hệ tuần hoàn phải làm việc tích cực để bơm máu đi nuôi cơ thể và qua cuống nhau vào bé. Vì thế, mẹ cần đảm bảo bổ sung các thực phẩm dinh dưỡng giàu vitamin C và sắt có trong thịt bò, rau xanh, ngũ cốc và trái cây tươi.
- Nhiệt độ cơ thể tăng lên khiến mẹ cảm thấy nóng nực và bị đổ mồ hôi nhiều hơn. Điều này khiến mẹ không muốn mặc các loại quần áo dày. Quạt và máy điều hoà có thể giúp mẹ cảm thấy dễ chịu hơn. Mẹ nên thường xuyên tắm với nước ấm và tránh mặc các loại vải làm từ sợi tổng hợp.
- Mẹ nên thận trọng với bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu. Niệu đạo của phụ nữ ngắn và ở gần 2 cơ quan âm đạo và lỗ hậu môn nên rất dễ gây viêm nhiễm ngược dòng. Một biện pháp phòng đơn giản nhưng rất có hiệu quả là vệ sinh cá nhân, vệ sinh đường sinh dục, tiết niệu hàng ngày, trước và sau khi quan hệ tình dục. Đồng thời, luôn rửa và lau sạch vùng kín theo hướng từ trước ra sau mỗi khi đi vệ sinh để tránh hiện tượng đưa vi khuẩn vào niệu đạo gây viêm nhiễm ngược dòng. Ngoài ra, hàng ngày mẹ nên tập thói quen uống nhiều nước và không nên cố nhịn khi mẹ có nhu cầu đi vệ sinh. Đừng vội vã mà hãy cho bản thân đủ thời gian để giải quyết hết mọi thứ trong bụng.
- Nói tạm biệt với vòng eo con kiến của mẹ vì lúc này tử cung đã cao ngang rốn. Yên tâm đi mẹ, mẹ sẽ lấy lại vóc dáng sau sinh thôi.
- Mẹ có thể mắc chứng ợ nóng thai kỳ. Lượng hoocmon tăng cao trong thai kỳ làm chậm quá trình tiêu hoá, nghĩa là thức ăn ở trong dạ dày lâu hơn, khiến cho axit được tiết ra nhiều hơn. Cảm giác nóng rát sau ngực xảy ra khi cơ thắt thực quản dưới bị giãn (các cơ này có nhiệm vụ giữ các chất ở trong dạ dày), khiến cho axit ở trong dạ dày trào ngược lên thực quản. Điều này khiến mẹ có cảm giác muốn nôn mửa, nhất là sau khi ăn các thức ăn có vị cay. Việc duy trì một chế độ ăn hợp lý sẽ giúp ngăn chặn chứng ợ nóng trong suốt thai kỳ. Mẹ cần tăng cường các loại thức ăn có dạng lỏng, loại bỏ ra khỏi bữa ăn những thực phẩm dễ gây ợ nóng như thức ăn cay, các món nướng, chocolate, cà phê, rượu, bia và đồ uống có gas. Ngoài ra, mẹ nên kê gối cao hơn bình thường một chút khi ngủ. Nếu các triệu chứng ợ nóng quá khó chịu, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày thì mẹ nên tìm đến bác sĩ để được tư vấn sử dụng thuốc kháng axit.
Thay đổi về cảm xúc của mẹ…
- Mẹ vẫn háo hức mong chờ những cử động đáng yêu của bé. Mẹ sẽ có thói quen đặt tay lên bụng và chờ đợi những chuyển động nhẹ nhàng của bé để chắc chắn rằng bé cưng của mẹ vẫn phát triển khỏe mạnh.
- Ở giai đoạn này, mẹ có xu hướng tập trung mọi sự quan tâm vào thai nhi. Điều này giúp mẹ ưu tiên sàng lọc những việc nên và không nên làm trong quá trình mang thai.
- Tình trạng suy nhược cũng thường xảy ra trong thời kỳ này, đặc biệt là đối với các mẹ vốn có tiền sử mắc bệnh suy nhược thần kinh. Đừng gặm nhấm nỗi lo một mình, hãy chia sẻ những băn khoăn với bác sĩ và đừng ngần ngại nhờ người thân giúp đỡ mẹ khi cần.
Bé cưng thay đổi như thế nào?
- Bé lúc này con yêu đã dài khoảng 13 cm tính từ đỉnh đầu đến mông. Da bé trong suốt đến mức có thể nhìn thấy các mạch máu dưới da. Còn quá sớm để hình thành nên các lớp mỡ dưới da. Tuy nhiên, tuần này xuất hiện một chất đặc biệt giúp bé bảo vệ các cơ quan nội tạng khỏi tác động từ nhiệt độ bên ngoài của môi trường sau khi sinh.
- Một lớp mỏng màu trắng nhờ, trơn bóng được gọi là gây phủ khắp cơ thể bé, giúp bảo vệ da trong môi trường nước ối cũng như giúp bé di chuyển dễ dàng hơn. Đa phần trẻ sơ sinh vẫn tiếp tục mang chất trắng dinh dính này sau khi sinh.
- Bé bắt đầu biết nuốt dịch nước ối và thận đã bắt đầu làm việc để sản xuất ra nước tiểu.
- Những sợi tóc đầu tiên xuất hiện trên đỉnh đầu và một lớp lông tơ mịn phủ đầy khắp cơ thể. Thông thường, những em bé sinh non khi sinh ra sẽ có nhiều lông tơ trên lưng và cánh tay. Một số bé lại có khuynh hướng hói trong vài tháng và có một chỏm tóc mọc trên đầu. Lưu ý là sự phát triển của mỗi thai nhi là hoàn toàn khác nhau. Trên đây chỉ là những phát triển chung nhất của thai nhi trong giai đoạn tương ứng.
- Giai đoạn này, bé sẽ ngủ nhiều và tích luỹ năng lượng cho sự hình thành và phát triển cơ thể. Tuy nhiên, mẹ vẫn sẽ nhận ra những hoạt động của bé khi bé chuyển động xoay người và máy đạp bụng mẹ, nhất là khi mẹ đang ngủ.
Lưu ý cho mẹ :
- Siêu âm giữa thai kỳ có thể diễn ra từ tuần 18 đến tuần 22 để kiểm tra sự phát triển của thai nhi bao gồm sự hình thành và phát triển bộ não, tim, cột sống, gan, thận, và các cơ quan nội tạng khác. Lúc này, mẹ đã có thể biết chính xác giới tính của bé cưng qua máy siêu âm do cơ quan sinh dục ngoài đã phát triển đầy đủ. Nếu mẹ muốn dành một sự ngạc nhiên cho mẹ và gia đình, hãy dặn bác sĩ siêu âm không tiết lộ giới tính thai nhi cho đến ngày sinh bé.
- Hãy thường xuyên trò chuyện với bé cưng từ lúc còn trong bụng mẹ. Từ tuần thứ 17, bé đã có thể nghe và phân biệt được giọng nói của mẹ. Hãy rủ ông xã cùng tận hưởng cảm giác sung sướng khi nhận thấy những chuyển động của con yêu
- Tập thể dục và vận động vừa phải để đảm bảo cân nặng hợp lý trong thời kỳ mang thai, đồng thời cũng giúp mẹ giảm nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ. Mẹ nên tham gia các lớp thai giáo, luyện tập các bài tập hữu ích, trò chuyện và chia sẻ kinh nghiệm mang thai với các bà bầu khác.
-Sưu Tầm/Tổng Hợp-
Leave a Comment
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.