
Mẹ có biết, bé cưng bây giờ đã có kích thước bằng một búp bê nhỏ rồi. Mí mắt của bé vẫn còn nhắm chặt nhưng có thể phân biệt được sáng tối. Gần cuối kỳ, bé sẽ bắt đầu mở mắt và mắt bé hoạt động nhiều để chuẩn bị làm quen với môi trường bên ngoài khi chào đời. Một trong những lý do quầng vú của mẹ lúc này bắt đầu trở nên sẫm màu hơn là để giúp cho bé yêu dễ dàng tìm núm để bú mẹ nhờ vào sự tương phản màu sắc so với mô ngực xung quanh.
Mẹ cần bố đưa đi đầu tư quần áo bầu mới !
Đây chính là thời điểm mẹ cần đầu tư khá nhiều cho những bộ quần áo bầu của mình. Nếu mẹ không thoải mái khi mặc trang phục bà bầu thì mẹ có thể chọn những loại quần, váy và quần soóc có lưng co giãn. Quần áo bầu bây giờ rất đa dạng và thời trang nên mẹ có thể thỏa sức làm đẹp theo cá tính riêng. Mẹ hãy mặc những gì mà mẹ cảm thấy thoải mái nhất, bởi vì bé yêu của mẹ cũng sẽ cảm nhận được cảm giác đó và điều này rất tốt cho sự phát triển của bé.
Thay đổi cơ thể của mẹ :
- Từ đây cho đến hết tuần 26, tử cung của mẹ tiếp tục giãn mạnh. Mẹ bắt đầu cảm thấy hơi khó thở vì dung tích phổi thu lại. Mẹ yên tâm, lúc này lồng ngực của mẹ được nâng lên phía trên để tạo nhiều không gian hơn, đồng thời xương sườn dưới chuyển dần sang hai bên. Khung xương của mẹ đang “giãn” ra y như chiếc quần co giãn.
- Chứng khó tiêu và ợ nóng tiếp tục tái phát do tác động của nội tiết tố giới tính duy trì thai, làm giãn các dây chằng ở khung xương chậu. Nội tiết tố này cũng làm giãn cơ thành ruột nên hoạt động của hệ tiêu hóa sẽ gặp khó khăn hơn thường ngày.
- Mẹ lưu ý về chứng táo bón bằng cách ăn những thực phẩm giàu chất xơ và uống nhiều nước. Mẹ nên cẩn thận với các loại bánh mì và mì ống chế biến sẵn vì các món này khó tiêu hóa trong giai đoạn này. Nếu cảm thấy khó đi đại tiện, mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ để giúp giải quyết nhé!
- Một số mẹ có thể thấy chân và mắt cá chân của mẹ đã bắt đầu sưng lên. Cơ thể mẹ đang tích nhiều nước hơn bình thường. Hiện tượng phù nề cũng xảy ra khi mẹ đứng lâu. Lời khuyên cho mẹ lúc này là chọn những đôi giày thoải mái, hơi rộng để dễ xỏ vào chứ không kích chân.
Thay đổi về cảm xúc trong mẹ :
- Mẹ thấy mình thường xuyên đãng trí, một điều bình thường đối với các bà bầu. Chứng đãng trí đôi khi khiến mẹ vào tình huống rất khó chịu và đôi khi làm mẹ thấy ghét bản thân vô cùng. Mẹ đừng nên quá bực bội tự giằn vặt lỗi của bản thân. Các kết quả nghiên cứu cho biết khi chúng ta cố gắng làm nhiều việc cùng một lúc thì chất lượng các công việc đó bị giảm đi.
- Mẹ đã bắt đầu suy nghĩ về việc đặt tên cho bé yêu của mình. Mẹ và bố có thể nên nghe qua ý kiến của ông bà nội, ngoại để có thể nhiều lựa chọn hơn cũng như để bé cưng cảm nhận được tình yêu thương, sự quan tâm của tất cả mọi người.
Thay đổi của bé yêu :
- Bé phát triển nhanh hơn nhiều và mẹ sẽ cảm nhận được những cú hích nhẹ của con trong tuần này. Rồi thi thoảng con ngậm ngón tay cái, nắm chặt dây rốn của mình, hay tập luyện phản xạ nắm bắt và thậm chí là nấc cục nữa kìa.
- Tuần này bé phát triển lớp mỡ dưới da dày hơn, vì thế da bé trông không còn “trong suốt” như cách đây vài tuần. Mẹ không cần ăn thêm quá nhiều trong thời gian này. Các chuyên gia khuyên rằng trong thời kỳ mang thai, mẹ chỉ cần ăn thêm khoảng 10 % lượng thực phẩm trước khi mang thai. Điều đó có nghĩa là mẹ chỉ cần bổ sung khoảng 1.050 calo/ngày trong 3 tháng giữa thai kỳ. Như vậy, chỉ cần thêm một miếng trái cây, hay một nắm các loại hạt hoặc một chiếc bánh kẹp nữa là đủ.
- Bé cưng giờ đã có móng tay nhỏ xíu. Nếu là bé gái, tử cung và âm đạo của bé giờ đã được định vị và đang phát triển. Nếu là bé trai, tinh hoàn bắt đầu di chuyển từ bụng xuống bìu. Do tác động của nội tiết tố sinh sản, khi vừa lọt lòng, bộ phận sinh dục của nhiều trẻ sơ sinh sẽ to hơn. Tuy nhiên, sau vài tuần, bộ phận sinh dục của bé sẽ dần về lại kích thước bình thường.
Lưu ý cho mẹ :
- Hãy đi chơi thư giãn. Đây chính là thời điểm có thể nghĩ đến chuyện tạm nghỉ ngơi trước khi sinh và vì cơ thể chưa nặng nề nên mẹ vẫn có thể đi du lịch. Đương nhiên trước khi đi mẹ nên cân nhắc ý kiến của bác sĩ chuyên khoa 1 chút để đảm bảo cho hành trình của mình an toàn nhé.
- Phụ nữ mang thai thường hay bị đau lưng, do vậy bạn cần chú ý chăm sóc cho lưng mình. Nếu đệm giường của mẹ đã bị lõm, không tạo cảm giác thoải mái và không giúp giữ thẳng cột sống của mẹ thì hãy mạnh dạn thay đệm mới tốt hơn nhé. Hãy nhớ rằng, mẹ sử dụng đệm ít nhất 8 tiếng mỗi ngày cơ đấy!
- Nếu mẹ không phải hạn chế tiếp xúc với nước thì hãy tận hưởng thời gian tắm bồn nhé. Mẹ sẽ thấy rất thú vị khi nằm ngửa trong bồn và nhìn những chuyển động nho nhỏ nhô lên trên bề mặt bụng. Mẹ sẽ cảm thấy bé yêu đang xoay người, đụng mạnh hay ngón tay bé đang nhíu vào thành tử cung hoặc bàng quang của mẹ tự nhiên có cảm giác như có chút dòng điện rất nhẹ chạm vào, v.v…, tất cả đều cho thấy con yêu đang hoạt động tích cực.
- Nhớ chú ý chăm sóc cho cơ sàn khung xương chậu của mẹ bằng cách thực hiện các bài tập làm chắc cơ, nhưng tránh các bài va chạm, lặp đi lặp lại. Tốt hơn là mẹ đi bộ, bơi, tập thư giãn cơ, tập yoga hoặc thể dục nhẹ nhàng.
- Về chứng đãng trí của mẹ, mẹ hãy cố gắng chỉ tập trung vào một việc tại một thời điểm. Mẹ cứ làm xong việc này rồi hãy sang việc khác nhé. Đừng quá khắt khe với bản thân, bởi vì chính mẹ chứ không ai khác đang chăm cho thiên thần nhỏ trong bụng mình. Mẹ không vui em bé cũng sẽ không vui đâu mẹ nhé !
-Sưu Tầm/Tổng Hợp-
Leave a Comment
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.