Câu chuyện dưới đây Bầu Bụng Bự mong rằng các mẹ đi sinh có thể tỉnh táo quyết định và lựa chọn chính xác những điều an toàn nhất cho mình và con yêu. Không chỉ mẹ mà bố và người thân trong gia đình cần luôn ở bên mẹ, có sự tìm hiểu, phân tích điều gì là tốt nhất cho mẹ và thai nhi.
Câu chuyện được viết lại rằng…
Bé gái sơ sinh, nặng 4,1 ký, là kết quả của quá trình thụ tinh nhân tạo sau 5 năm cố gắng của cặp vợ chồng hiếm muộn (trước đó họ đã trải qua hai lần phẫu thuật). Alexandra là một đứa trẻ được cả hai dòng họ rất mực mong chờ!
Chính vì quá mong con, nên khi hay tin Alexandra đang hiện diện trong cơ thể người mẹ sau 3 lần thụ tinh nhân tạo, vợ chồng Beatrix và hai bên gia đình hết sức vui mừng và hạnh phúc. Nhưng niềm vui chẳng tày gang, hạnh phúc chưa trọn vẹn thì cha mẹ bé phải đối mặt với nỗi đau khôn xiết: cô con gái xinh đẹp của họ qua đời sau khi sinh khi chỉ mới ba ngày tuổi.
Bé Alexandra đã đến ngày dự sinh nhưng chưa chịu chào đời, con bé nằm trong bụng quá ngày, chưa kể bé nằm ngang và khá to con – hơn 4 ký.
Rồi cái ngày bé chào đời cũng đến. Khi có dấu hiệu sinh, chị Beatrix nhanh chóng nhập viện để đón con yêu. Nhưng mặc dù người mẹ đã cố gắng chịu đựng hơn 30 tiếng đau đớn, mệt mỏi để có thể sinh thường nhưng cổ tử cung vẫn lì lợm hầu như không giãn nở để bé có thể chào đời. “Lúc đó, tôi và chồng vô cùng lo lắng. Cảm thấy không thể chịu đựng hơn được nữa và lo sợ ảnh hưởng đến tính mạng cô con gái cầu khẩn của mình, tôi nói với bà đỡ rằng tôi muốn được sinh mổ”, người mẹ kể lại. Bệnh viện sau đó đã thừa nhận nếu họ mổ bắt con ngay lúc đó thì đã có thể cứu được bé Alexandra, nhưng yêu cầu của người mẹ bị từ chối.
Trong phòng sinh, các bác sĩ sản khoa tư vấn Beatrix cho trong một vài phút, sau đó họ bỏ đó để đi lo cho một bệnh nhân khác. Ca sinh của Beatrix được giao cho một bác sĩ yếu tay nghề và ít kinh nghiệm. Không có bất cứ sự giám sát của một người có trình độ và được đào tạo sử dụng kẹp hỗ trợ. “Tay bác sĩ đó không nói không rằng, chỉ chèn các dụng cụ và bắt đầu xoay em bé. Cơ thể tôi như hóa đá”, Beatrix đau đớn nói.
Alexandra chào đời với một sự im lặng khủng khiếp bao trùm phòng sinh. “Con bé đã không khóc tiếng nào, họ vội vàng mang đứa bé tím tái đến khu trẻ sơ sinh. Craig nói với tôi rằng ngay lúc đó anh ấy đã nghĩ hẳn Alexandra sẽ không thể sống được và tôi cũng sẽ chết”, người mẹ kể lại.
Lúc ấy, bệnh viện phải huy động bốn bác sĩ đến khâu cho Beatrix trong vòng 75 phút (một tháng sau ca phẫu thuật này, người mẹ bất hạnh phải quay trở lại bệnh viện để kiểm tra những vết thương). Trong khi đó, Alexandra đã được đưa vào khu cấp cứu dành cho trẻ sơ sinh. “Bé không thể tự thở và cơ thể gần như bất động, ngoài một số biểu hiện hiếm hoi trên khuôn mặt chứng tỏ rằng bé vẫn tồn tại. Lúc ấy, chúng tôi đã xác định con mình không thể sống sót, nhưng khi chúng tôi hỏi bé có thể sống được bao lâu thì phía bệnh viện chỉ trả lời nhát gừng rằng họ không biết,” Beatrix nói.
( Hình ảnh minh họa )
Ba ngày sau khi sinh, Beatrix và chồng từ chối lời đề nghị của bệnh viện phẫu thuật cho Alexandra. “Phẫu thuật ư? Điều đó còn nghĩa lý gì nữa? Con bé không còn chút hơi sức nào và dao kéo lúc đó sẽ chỉ gây ra đau khổ thêm cho con,” Beatrix nói. “Tôi điên cuồng sợ hãi khi nghĩ rằng con tôi sẽ chết trên bàn mổ và không bao giờ được cha mẹ ôm ấp”. Khi các bác sĩ cho chúng tôi biết rằng tình hình không thể cứu vãn được nữa, đã đến lúc phải tắt hết những dụng cụ hỗ trợ sự sống của Alexandra, Craig đã ôm bé trong vòng tay của mình. “Tôi không thể ôm con, vì lúc ấy tôi thực sự quá đau đớn để có thể làm điều đó – chứng kiến con chết dần chết mòn trên tay… Phải mất hai giờ sau, bé mới hắt ra hơi thở cuối cùng. Trái tim con bé đã rất mạnh mẽ. Ngay lúc đấy, tôi cảm thấy bình an hơn là đau khổ, thế là con gái bé bỏng đáng yêu của tôi đã không còn phải chịu đựng thêm bất cứ cơn đau nào nữa”.
“Khoảnh khắc đau buồn nhất cuộc đời tôi là khi tôi lấy chăn của Alexandra từ túi mà bệnh viện cấp cho Beatrix và đó là lúc tôi biết rằng cái chăn này giờ đây không còn bất cứ tác dụng nào nữa. Con gái tôi không cần nó nữa”. Tiến sĩ Craig Campbell, một nhà tâm lý học, và cũng là người cha bất hạnh ngậm ngùi chia sẻ.
Người mẹ thì nói trong tâm trạng vỡ òa cảm xúc: “Tôi vào đây với con gái ở trong bụng, nhưng tôi tay trắng bước ra khỏi bệnh viện này. Nơi đây đã không chỉ phá hủy một sinh linh vô tội, nó còn làm trái tim tôi và cuộc đời chúng tôi tan nát. Thật khủng khiếp, tôi mang thai một đứa con khỏe mạnh và họ đã giết chết con tôi rồi…”.
Alexandra được chôn cất trong nhà thờ Fife mà cha mẹ bé đã kết hôn 12 năm trước. “Đó là một nơi tuyệt đẹp, một nhà thờ nhỏ nhìn ra biển, mỗi khi đến đó, tôi như trở lại một nơi chất chứa nhiều kỷ niệm hạnh phúc. Bây giờ, nó còn là nơi mà con gái tôi yên nghỉ” Beatrix nói.
Bệnh án ghi rằng Alexandra chết vì bị chấn thương nghiêm trọng đến cột sống trong quá trình chào đời bằng kẹp forcep – sau quãng thời gian 10 tiếng đồng hồ người mẹ cầu xin ekip đỡ đẻ cho phép cô được sinh mổ vì em bé quá to và ngôi ngang. Alexandra vô tình trở thành nạn nhân của sự kiêu ngạo và phớt lờ của các nhân viên y tế, khi họ đang cố gắng quyết tâm giảm tỷ lệ sinh mổ.
Kết quả của cuộc chạy đua thành tích này là mỗi năm đã có hàng ngàn trẻ sơ sinh được chào đời bằng cách can thiệp bằng kẹp forcep – mặc dù công cụ này được coi là rất nguy hiểm và đã có rất nhiều bác sĩ sản khoa từ chối sử dụng. Thật không may là có rất ít phụ nữ được biết về những mối nguy hiểm tiềm tàng khi phải xinh nở hỗ trợ bằng kẹp, đơn giản là vì họ không có cơ hội tìm hiểu và quan trọng nhất là khi đã vào phòng sinh rồi thì họ phó thác sinh mệnh của mình và con cho ekip đỡ đẻ. Trong phòng sinh, người mẹ bị tước gần hết quyền lực. Nếu không tỉnh táo, họ dễ trở thành nạn nhân của những y bác sĩ kém tay nghề và thiếu trách nhiệm.
( Hình ảnh minh họa )
Thực tế, khi phải sinh nở hỗ trợ bằng kẹp forcep, có rất nhiều nguy cơ sẽ xảy ra. Nhẹ nhất là những vết trầy xước hay bầm tím. Những nghiên cứu từ thập niên 80 đã báo cáo con số khá cao về tỷ lệ thiệt hại cho người mẹ và trẻ sơ sinh nếu sinh bằng kẹp forcep. Thậm chí các nghiên cứu gần đây cũng đã xác nhận lại điều này và khẳng định rằng sinh hỗ trợ bằng kẹp sẽ gây ra nhiều thương tích hơn so với các biện pháp can thiệp khác, kể cả sinh mổ.
Sử dụng kẹp chỉ an toàn khi người thực hiện phải có trình độ cao về kỹ năng và chuyên môn, “nhưng kết quả cũng không chắc chắn, ngay cả đối với các phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm”, Atul Gawande – bác sĩ phẫu thuật hàng đầu của Hoa Kỳ, người đứng đầu sáng kiến “phẫu thuật an toàn hơn” của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết.
Các chuyên gia đặc biệt lo ngại về kẹp Kielland, loại kẹp đã được sử dụng để hỗ trợ cuộc sinh của bé Alexandra. Không giống như hầu hết các kẹp khác, loại kẹp này được sử dụng để đẩy nhanh quá trình sinh nở vào giai đoạn cuối cùng của cuộc sinh mà em bé vẫn chưa thể lọt ra ngoài. Kẹp Kielland thường được sử dụng để xoay một trẻ sơ sinh bị mắc kẹt ở trong đường sinh với ngôi cao và ngang.
Tám tháng sau cái chết của cô con gái, cặp vợ chồng hiếm muộn này thực hiện một cuộc điều tra độc lập về cái chết của Alexandra. Beatrix thực sự muốn các bác sĩ phải được học điều gì đó từ những sai lầm – sai lầm có thể giết chết cuộc đời mới bắt đầu của một con người.
-Sưu Tầm/Tổng Hợp-
Leave a Comment
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.