9 tháng thai kỳ là khoảng thời gian mà người phụ nữ mong đợi nhiều nhất. Nó sẽ mang lại cho các mẹ đủ mọi cung bậc cảm xúc trong thiên chức làm mẹ nhưng cùng với đó cũng có cả những lo lắng.
Nỗi lo lớn nhất của các mẹ khi bầu bì là ăn nhiều cốt để nuôi con nhưng rốt cuộc lại vào hết cả mẹ. Kết quả là mẹ tăng cân vùn vụt, trên da xuất hiện nhiều vết rạn nhưng con trong bụng lại không phát triển khỏe mạnh như mong đợi. Thế nhưng, với mình thì lại khác.
Mình và ông xã kế hoạch, sau 2 năm thì có con. Do đã lên kế hoạch chu đáo nên khi có bầu mình rất hào hứng và tự tin để chuẩn bị mọi thứ cho con. Với mình, việc chăm sóc đứa con trong bụng phát triển toàn diện luôn phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn khỏe, đẹp cho mẹ. Do đó, mình rất tự hào vì đúng như dự định ban đầu, mang thai đến tuần 36 nhưng mình vẫn chỉ tăng 6,7kg. Trong khi đó, con trai mình lại nặng đến 2,9kg và rất khỏe mạnh. Đây là bí quyết nho nhỏ của mình:
Khi có thai, các mẹ cần phải bổ sung nhiều calo, protein, vitamin và các khoáng chất. Nhưng cải thiện chế độ dinh dưỡng không có nghĩa là mẹ phải ăn nhiều đâu nhé! Nếu đã đạt được trọng lượng khỏe mạnh, khi mới mang thai, các mẹ không cần phải bổ sung calo trong 3 tháng đầu tiên. Ở giai đoạn giữa thai kỳ, mẹ sẽ cần khoảng 340 calo/ngày và con số này sẽ tăng lên khoảng 450 calo/ngày trong ba tháng cuối. Nếu mẹ bị thiếu cân hoặc béo phì khi bắt đầu thai kỳ, mẹ sẽ cần bổ sung nhiều hơn hoặc ít hơn so với mức chuẩn này, tùy thuộc vào mục tiêu tăng cân của các mẹ trong thai kỳ nhé!
Ăn uống khỏe mạnh cho con
- Gạt sang một bên các thực phẩm gây hại cho thai nhi: Một số thực phẩm có thể gây nguy hiểm cho thai nhi như hải sản sống (như hàu sống hoặc sushi), sữa không tiệt trùng (bao gồm pho-mát được làm từ sữa chưa tiệt trùng), phô mai mềm (như Brie hoặc Camembert), pa-tê, thịt gia súc hoặc gia cầm chưa nấu chín. Tất cả các nguồn thực phẩm này đều có nguy cơ chứa vi khuẩn listeriosis gây bệnh viêm màng não cho thai nhi.
- Nói không với rượu: Thú vui nhâm nhi một vài tách rượu tạm thời sẽ phải quên đi nếu mẹ đang có mang. Rượu có thể gây ra dị tật bẩm sinh, các khuyết tật thần kinh và làm rối loạn tâm thần của trẻ nếu mẹ uống dù chì một ít trong lúc đang mang thai.
Hình ảnh minh họa
- Hạn chế thức uống chứa caffeine: Mỗi ngày, mẹ bầu chỉ được phép uống ít hơn 200mg thức uống có chứa caffeine. Một số nghiên cứu cho thấy hàm lượng caffeine trong cơ thể mẹ bầu quá cao sẽ dẫn đến sẩy thai hoặc sinh con thấp ký nhẹ cân, thế nhưng điều này vẫn chưa được xác nhận. Mặc dù vậy, “có kiêng có lành”, mẹ vẫn nên hạn chế để đảm bảo sức khỏe cho con mà chính mẹ cũng không nhận phải những hệ lụy xấu như mụn nhiều hoặc da xỉn màu.
- Cẩn thận với các loại cá: Các loại cá sống ở những vùng nước sâu thường bị nhiễm thủy ngân, một kim loại nếu hấp thụ liều cao có thể gây hại cho bộ não đang phát triển của thai nhi và trẻ nhỏ. Theo chuẩn, mỗi tuần, mẹ chỉ nên ăn 2 bữa cá là đủ nhé!
- Uống bổ sung vitamin: Mặc dù đây không phải là giải pháp ngừa ốm nghén nhưng nó sẽ giúp các mẹ đáp ứng đủ với những thay đổi lớn trong thai kỳ nhằm đảm bảo dinh dưỡng cho sự phát triển của thai nhi. Các loại vitamin bổ sung trong thai kỳ có thể có rất nhiều loại khác nhau nhưng lúc nào cũng phải chứa đủ lượng axit folic. Đây là chất rất cần thiết để hạn chế tối đa các dị tật ống thần kinh thai như nứt đốt sống. Theo chuẩn, mỗi ngày mẹ cần phải bổ sung ít nhất 600mcg khi mang thai. Thậm chí mẹ cũng cần bổ sung 400mcg ngay cả trước lúc có thai.
- Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi muốn uống thuốc bổ: Choline là một chất dinh dưỡng quan trọng có thể giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh. Khi mang thai, mẹ cần bổ sung 450mg choline/ngày. Tuy nhiên, nếu muốn bổ sung cho phù hợp, các mẹ cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ. Ngoài ra, trong những lần thăm khám như thế này, các bác sĩ sẽ chủ động kê đơn bổ sung vitamin D trong suốt thai kỳ nếu thấy cần thiết cho mẹ. Trong trường hợp mẹ khó hấp thụ vitamin dạng viên uống, bác sĩ có thể kê vitamin dạng nước để các mẹ trộn với thức ăn. Cuối cùng, các mẹ phải tuyệt đối không tự ý dùng thảo dược hoặc thuốc bổ khi chưa có chỉ định cụ thể của bác sĩ nha!
Ăn vào con mẹ vẫn khỏe đẹp
Nếu lo sợ chế độ dinh dưỡng trong thai kỳ không giúp con các mẹ tăng trọng khỏe mạnh mà ngược lại còn khiến mẹ tăng cân và thay đổi sắc diện chóng mặt thì đây là bí quyết:
– Không ăn kiêng khi mang thai: Nhiều mẹ ép cân trong thai kỳ vì sợ béo lên. Nhưng đó lại là sai lầm. Ăn kiêng khi mang thai có thể gây hại không chỉ cho mẹ mà còn cho em bé trong bụng mẹ. Nhiều kế hoạch giảm cân trong thai kỳ sẽ làm giảm lượng calo, sắt, axit folic và các vitamin, khoáng chất quan trọng, vốn rất cần thiết cho sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi. Thực ra, tăng cân là một trong những dấu hiệu tích cực nhất cho thấy mẹ đang có một thai kỳ khỏe mạnh. Chỉ cần mẹ đảm bảo thực phẩm mình tiêu thụ hoàn toàn lành mạnh. Để có được điều đó, các mẹ cần nhớ:
Hình ảnh minh họa
- Đa dạng: Dù nghén và chỉ thèm một vài món nhất định, mẹ cũng không nên ăn tập trung quá nhiều một vài món mà phải đa dạng các loại thực phẩm khác nhau.
- Hạn chế tối đa đồ ngọt: Đồ ngọt rất nghèo dinh dưỡng nhưng lại khiến các mẹ tăng cân nhanh chóng. Vì vậy, nếu có thèm, chỉ nên ăn một ít trái cây nhưng cũng không nên ăn quá nhiều loại trái quá ngọt như nhãn, mít, chôm chôm,… nhé!
- Kiêng các thực phẩm không có lợi cho thai nhi: Dứa (thơm), chiết xuất hạt lựu, rau răm,… là những chất gây kích thích co tử cung và có thể dẫn đến sinh non hoặc sẩy thai. Vì vậy, khi chọn lựa thực phẩm lành mạnh, luôn nhớ tránh những món này nhé!
- Uống 1 lít sữa tươi không đường mỗi ngày: Có thể thêm phô mai cứng (vì không chứa vi khuẩn), sữa chua không đường, nước cam, chuối xay, hải sản nấu chín kỹ… để cung cấp đầy đủ canxi cho cơ thể. Song song đó, đừng quên các loại rau củ có màu xanh thẫm (bông cải xanh, rau chân vịt, rau muống…), màu đỏ và vàng (ớt chuông, bí đỏ,…) vì chúng rất nhiều chất xơ, sắt, axit folic,… rất tốt cho thai nhi và da dẻ cũng như hệ tiêu hóa của mẹ bầu.
- Uống đủ 3 lít nước mỗi ngày: Ngoài sữa ra, nước cũng rất cần thiết cho mẹ mang thai (bao gồm sữa, nước lọc, nước trái cây, canh,…) khỏe mạnh và tươi tắn hơn mỗi ngày.
- Không tuyệt đối kiêng tinh bột: Kiêng tinh bột có thể giúp mẹ chóng lấy lại vóc dáng sau sinh nhưng tinh bột lại là nguồn cung cấp năng lượng cần thiết cho mẹ bầu. Chính vì vậy, thay vì tuyệt đối cấm, hãy chọn cho mình những món tinh bột lành mạnh khác để thay thế. Chẳng hạn như: thay cơm trắng, bún, phở, bánh mì trắng,… bằng bánh mì ngũ cốc nguyên hạt, khoai lang luộc, bắp luộc, các loại đậu… Tốt nhất, nên chia khẩu phần ăn như sau: 25% là protein ( thịt, cá, trứng,…), 25% tinh bột (cơm, bánh mì, bún,…) và 50% là rau củ.
– Chia nhỏ bữa ăn và ăn thường xuyên: Không chỉ tốt cho sức khỏe và đảm bảo vóc dáng chuẩn khi mang thai mà việc chia nhỏ bữa ăn trong ngày thành 5-6 bữa còn giúp mẹ tránh được những cơn nôn nghén nghiêm trọng, chứng ợ nóng, khó tiêu và táo bón. Ngoài ra, các mẹ cũng không nên để đến lúc quá đói mới ăn vì khi đó mẹ sẽ ăn nhiều hơn và rất dễ tăng cân. Trong khi đó, thai nhi lại không thể hấp thụ kịp.
– Cho phép mình thỏa mãn với cơn thèm: Hạn chế món ngọt khi có thai sẽ giúp mẹ tránh được bệnh tiểu đường thai kỳ. Nhưng thỉnh thoảng, nếu muốn tự thưởng cho mình, đừng quá kiềm hãm nhé mẹ! Hãy thử lựa chọn thông minh với món sinh tố chuối, kem chuối hoặc tất cả các lại trái cây không quá ngọt.
Nhờ áp dụng những bí quyết này mà cuối thai kỳ, mình chỉ tăng đúng 10kg theo chuẩn (người mình trước lúc mang thai đã đạt cân nặng chuẩn). Nếu có mẹ bầu nào không biết mình cần tăng cân bao nhiêu cho phù hợp thì có thể ước chừng trong khoảng giữa 11-15 kg là đủ. Đây là chuẩn chung, với những ai gầy hơn hoặc nhiều cân hơn mức bình thường, có thể giảm hoặc tăng thêm vài kg cho đủ nhé!
Mong rằng những chia sẻ của mình sẽ có ích cho các mẹ đang lo lắng về chuyện ăn làm sao cho con khỏe mà mẹ vẫn đẹp. Chúc các mẹ luôn cảm nhận được niềm với hành trình 9 tháng 10 ngày đầy kỷ niệm!
-Sưu Tầm/Tổng Hợp-
Nguồn : http://www.webtretho.com/forum/f13/an-chuan-trong-9-thang-thai-ky-de-me-dep-con-khon-2361851/
Leave a Comment
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.