Mẹ bầu bị nám da khi mang thai phải làm sao?

Hầu hết mẹ bầu đều bị nám da khi mang thai. Thậm chí nhiều trường hợp sẽ xuất hiện tình trạng da sạm trên mặt, bụng hoặc một số vùng da trên cơ thể.


Mẹ bầu hạn chế tình trạng này thế nào và làm sao để có làn da khỏe đẹp sau khi sinh? Hãy cùng Bầu Bụng Bự tìm hiểu về vấn đề này nhé!

Cách chăm sóc cho mẹ bầu bị nám da khi mang thai

Thay đổi sắc tố da thường biến mất sau khi sinh, nhưng bạn có thể làm những việc dưới đây để giảm thiểu chúng một cách an toàn trong thời gian chờ đợi nó tự biến mất.

Bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời

Điều này rất quan trọng vì việc tiếp xúc với tia cực tím sẽ làm gia tăng sự thay đổi sắc tố da. Ngoài ra, bạn cũng nên sử dụng kem chống nắng có công thức bảo vệ chống lại cả tia UVA và tia UVB với chỉ số SPF 30 hoặc cao hơn. Bạn nên sử dụng chúng mỗi ngày cho dù trời có nắng hay không và thường xuyên bôi lại trong ngày nếu bạn ở ngoài trời.

Khi bạn ở ngoài, bạn nhớ che chắn cơ thể bằng cách đội mũ rộng vành, mặc áo sơ mi dài tay để tránh da chỗ đen chỗ trắng. Tốt nhất là bạn hạn chế thời gian tiếp xúc với ánh mặt trời, đặc biệt là từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Việc sử dụng các chất tẩy rửa và các loại kem bôi mặt sẽ làm cho da dễ bị kích ứng và trở nên tồi tệ hơn.

Trang điểm nhẹ nhàng

Nếu việc thay đổi sắc tố da làm phiền bạn, hãy che chúng bằng cách trang điểm nhẹ nhàng. Bạn tránh sử dụng các sản phẩm tẩy tế bào chết khi mang thai vì những thay đổi này có thể tự biến mất sau khi sinh.

Mách bạn cách chăm sóc da sau khi sinh

Sau khi sinh con, bạn hãy tiếp tục bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời bằng cách sử dụng kem chống nắng, che phủ cơ thể và tránh tiếp xúc ánh nắng vào buổi trưa. Trong hầu hết các trường hợp, sự thay sắc tố da sẽ dần dần biến mất mà không cần điều trị.

Tuy nhiên, đối với một số ít phụ nữ, các thuốc tránh thai có chứa estrogen (như thuốc viên, miếng dán tránh thai và vòng âm đạo) có thể góp phần làm nặng thêm tình trạng sạm da. Nếu tình trạng này trở nên nghiêm trọng, bạn hãy cân nhắc lựa chọn các biện pháp tránh thai khác, ví dụ như bao cao su.

( Hình ảnh minh họa – nguồn Internet )

Nếu da của bạn vẫn còn vết sạm sau một vài tháng, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc bác sĩ da liễu về các phương pháp điều trị. Bác sĩ có thể gợi ý sử dụng kem tẩy trắng có chứa hydroquinone, là một loại thuốc bôi có chứa tretinoin (Retin-A) hoặc một loại hóa chất tẩy da chết như axit glycolic. Tất nhiên, nếu bạn đang cho con bú hoặc dự định sớm mang thai, hãy nói cho các bác sĩ biết và phải kiểm tra trước khi sử dụng bất kỳ phương pháp điều trị không kê toa nào.

Bạn đừng mong đợi kết quả tức thì vì việc điều trị có thể mất vài tháng để thấy sự cải thiện. Trong một số trường hợp, bác sĩ da liễu có thể sử dụng phương pháp điều trị bằng tia laser để làm sáng trở lại lớp da sẫm màu, nhưng đó không phải là lựa chọn tốt nhất. Dù bạn điều trị bằng bất cứ phương pháp nào, điều quan trọng là tiếp tục tự bảo vệ mình khỏi ánh nắng trong và sau quá trình điều trị.

Liệu những thay đổi sắc tố da có phải dấu hiệu của bệnh tật không?

Một số kiểu thay đổi sắc tố da có thể là triệu chứng của ung thư da hoặc các vấn đề về sức khỏe khác. Vì vậy, bạn hãy nói với bác sĩ về những thay đổi trong sắc tố da đi kèm với da bị đỏ hoặc thay đổi về màu sắc, hình dạng hoặc kích thước vết nám. Bạn có thể được giới thiệu đến bác sĩ da liễu để có được sự điều trị tốt nhất.

Việc bị nám da khi mang thai không đáng lo ngại, nếu biết cách khắc phục, bạn có thể giảm nám trong thai kỳ hoặc nám sẽ mờ dần sau khi sinh. Chị em nên lựa chọn một cách chăm sóc da phù hợp và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các biện pháp chăm sóc da khi mang bầu.

Theo hellobacsi

Loading...
Tags:
Leave a Comment