Lưu ý 2 thời điểm mắc sốt xuất huyết gây nguy hiểm cho bà bầu

Đối với thai phụ, việc mắc sốt xuất huyết có thể gây nhiều hệ lụy hơn so với người bình thường, thậm chí đe dọa tính mạng cả mẹ và con.

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước có 58.888 trường hợp mắc sốt xuất huyết (50.497 trường hợp nhập viện), 17 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhập viện tăng 12,6%.  Người dân biết gì về dịch sốt xuất huyết? Hàng chục nghìn bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, 16 người tử vong, dịch đang bùng phát mạnh khắp cả nước. Người dân đã biết cách phòng tránh căn bệnh này?

Sốt xuất huyết là bệnh gây ra do muỗi vằn Aedes truyền bệnh. Bệnh có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau nhức cơ thể, xuất huyết, chảy máu cam. Ở thể nặng, bệnh gây xuất huyết ồ ạt, biến chứng gan, thận, xuất huyết não và tử vong. Đối với thai phụ, việc mắc sốt xuất huyết có thể gây nhiều hệ lụy hơn so với người bình thường.

   Với thai phụ, giai đoạn mới mang thai và chuyển dạ là hai thời điểm nguy hiểm nhất nếu bị mắc sốt xuất huyết.

PGS.TS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương – cảnh báo với các thai phụ, khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám sớm và có những chỉ định về điều trị. Bởi việc dùng thuốc cho phụ nữ mang thai rất đặc biệt. Nếu không kiểm soát tốt, bệnh có thể gây xuất huyết âm đạo, sảy thai.

Theo thạc sĩ, bác sĩ  Đồng Thu Trang, khoa A2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, gần đây, các bà bầu đến khám cấp cứu nghi do sốt xuất huyết tăng cao, thậm chí 4-5 ca/một đêm trực.

“Nhiều chị em đến khám sớm với các biểu hiện cảm cúm, sốt nhẹ, đau đầu, mỏi cơ, tăng tiết dịch hầu họng, muộn hơn là những trường hợp đã có xuất huyết toàn thân”, thạc sĩ Trang cho biết.

Bà bầu mắc sốt xuất huyết ở giai đoạn đầu mang thai rất nguy hiểm. Virus sẽ tác động vào cơ quan tạo máu của mẹ và con, gây ra rối loạn đông máu, nhất là việc giảm số lượng và chất lượng tiểu cầu. Bệnh có thể gây suy thai, đẻ non, thai chết lưu do sốt và mất nước dài ngày hoặc tổn thương chức năng gan, thận.

Đặc biệt, sốt xuất huyết khi mang thai thường khó chẩn đoán hơn người bình thường vì thai phụ sẽ có tình trạng pha loãng máu sinh lý, làm che lấp tình trạng cô đặc máu.

Bên cạnh đó, thai phụ bị sốt xuất huyết khi chuyển dạ sẽ khiến tình trạng trở nên nguy hiểm do chảy máu kéo dài dễ gây tử vong cho cả mẹ lẫn con.  Có cần phải bỏ thai khi bị sốt xuất huyết?

Theo thạc sĩ Trang, khi mắc sốt xuất huyết, tùy từng giai đoạn bác sĩ sẽ có những tác động khác nhau đối với bà bầu, trong đó, giai đoạn mới mang thai và cuối thai kỳ, thai phụ sẽ gặp nhiều biến chứng nghiêm trọng hơn giai đoạn giữa. Bên cạnh đó, mức độ nghiêm trọng của bệnh còn phụ thuộc vào sức đề kháng của từng người, tình trạng mất nước và nhiều yếu tố khác.

Thông thường, bác sĩ không có chỉ định bỏ thai khi mắc sốt xuất huyết. Do đó, khi mắc bệnh, chị em cần bình tĩnh, không nên lo lắng thái quá bởi sẽ làm ảnh hưởng đến em bé.

Tuy nhiên, những bệnh nhân mang thai khi mắc sốt xuất huyết cần phải theo dõi chặt chẽ để hạn chế biến chứng. Vì vậy, chị em cần đi khám sớm ngay khi có dấu hiệu bệnh.

Chuyên gia cũng cho biết thêm đối với bà bầu mắc sốt xuất huyết ở những ngày đầu và chưa có dấu hiệu cảnh báo chỉ cần theo dõi, bù nước đường uống, tăng cường nước ép trái cây. Nếu chưa sốt quá 38 độ C, chỉ cần chườm mát, lau người, vùng trán, bẹn, nách, thái dương để hạ nhiệt.

Đặc biệt, thai phụ không tự ý mua thuốc để uống, phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

 

 

Theo meonuoicon

Loading...
Tags:
Leave a Comment