
Tắm nắng sẽ giúp cơ thể tự sản xuất vitamin D, hay nói cách khác, vitamin D được tổng hợp khi tia cực tím của mặt trời chiếu vào da. 80% vitamin D được tổng hợp theo cách này, 20% còn lại có từ sữa mẹ và thức ăn (thịt, dầu cá thu, cá mòi, trứng, bơ, nấm, đậu…).
Vitamin D đóng vai trò hết sức quan trọng đối với cơ thể. Bởi nó là chất để hấp thu canxi và photpho. Nó tác động đến ống thận để tái hấp thu canxi, cũng như gắn canxi vào trong xương. Thiếu vitamin D sẽ gây giảm hấp thu canxi. Hậu quả là làm giảm canxi trong máu khiến bé bị còi xương, biến dạng xương. Vì vậy đề phòng còi xương cho bé, các mẹ nên cho bé tắm nắng hằng ngày.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho biết mọi đối tượng đều có thể tắm nắng được, đặc biệt không chỉ trẻ sơ sinh mà còn những trẻ em khác. Hầu hết những trẻ sơ sinh khỏe mạnh, sau sinh một tuần có thể cho tắm nắng.
Nếu gia đình có không gian thoáng đãng ở dưới mặt đất có thể bế trẻ ra ngoài trời còn những gia đình ở trên cao có thể mở cửa sổ để ánh nắng mặt trời chiếu qua, không nhất thiết phải mang trẻ ra ngoài.
Theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng thời điểm thích hợp nhất để tắm nắng cho trẻ sơ sinh là vào buổi sáng, lúc bình minh, mặt trời chiếu những tia nắng đầu tiên.
“Vào sáng sớm, lúc bình minh ánh nắng không gay gắt mới có nhiều tia cực tím tốt cho việc tắm nắng. Khi ấy, tia cực tím chiếu vào da trẻ mới chuyển thành vitamin D. Mọi người cũng có thể cho trẻ tắm nắng lúc gần tối, khi hoàng hôn xuống. Lúc đó cũng nhiều tia cực tím. Tuy nhiên tốt nhất chỉ nên tắm nắng vào buổi sáng cho trẻ. Nhiều người tắm nắng cho trẻ từ 7-8h sáng cũng không đúng, tia nắng giúp da trẻ tổng hợp vitamin D phải là tia nắng từ sáng sớm tinh mơ khi mặt trời vừa mới lên”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết.
Tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ mà các mẹ cho con tắm nắng trong bao lâu. Tuy nhiên đối với trẻ sơ sinh, thời gian tắm nắng chỉ từ 10 -15 phút mỗi ngày.
“Trong vòng 10-15 phút chúng ta bỏ bớt quần áo ra cho trẻ. Nếu mặc kín quần áo thì việc tắm nắng không có tác dụng gì nữa. Tuy nhiên các bà mẹ không nhất thiết phải bỏ hết quần áo của con, có thể mặc quần áo mỏng nhưng phải màu sáng. Nếu bỏ được quần áo của trẻ ra thì càng tốt để ánh nắng có thể chiếu trực tiếp. Đối với trẻ sơ sinh, nếu cẩn thận gia đình cần đeo kính râm hoặc che mắt cho trẻ khi tắm nắng”, PGS. TS Dũng cho biết.
-Tuyệt đối không để ánh nắng chiếu vào đầu, vào mặt, mắt trẻ khi tắm nắng.
– Với những trẻ đang điều trị các bệnh cấp tính, trẻ bị bệnh nội tiết: basedow, trẻ bị eczema, herpes, đang dùng kháng sinh nhóm Quinolon thì nhất thiết không được cho trẻ tắm nắng.
– Tránh tắm nắng cho trẻ nơi gió lộng. Cả mẹ và bé cùng tắm nắng để tạo cảm giác thân thương, gần gũi (nựng nịu, cho bé bú; đến thời điểm phát triển phù hợp, tập cho bé ngồi, đỡ tay cho bé đi, chơi đùa cùng bé…), giúp bé thích thú khi tắm nắng
-Không nên cho con tắm nắng vào những giai đoạn thời tiết bất thường hoặc những lúc giao mùa, mùa đông.
– Sau khi tắm nắng phải kịp thời lau khô mồ hôi, cho trẻ uống một chút nước bổ sung. Nếu là mùa hè, tốt nhất là tắm nước cho trẻ sau khi tắm nắng.
Nguồn : https://methongthai.biz/tam-nang-cho-con-the-nao-de-tre-hap-thu-vitamin-d-tot-nhat-ma-khong-hai-da/
Leave a Comment
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.