Hôm qua em mới về nhà ngoại chơi thì nghe vụ này sợ lắm các mẹ ạ!
Nhà ngoại em ở phường Đức Long, TP Phan Thiết (Bình Thuận). Nghe mấy dì kể ở xóm bên có một bé 3 tuổi vừa mới mất do hóc phải hạt lựu. Ba mẹ, người thân khóc ngất, ngã quỵ không nói được lời nào.
Người nhà có kể khoảng 12h rưỡi trưa 9/8, sau khi ăn cơm trưa với cả nhà xong thì bé bé Oanh (3 tuổi) và chị gái (5 tuổi) cùng ngồi ăn lựu tráng miệng. Bé Oanh được cho một nắm lựu thì vốc lấy cho hết vào miệng rồi nhảy từ trên bàn nhảy xuống. Lúc này hạt lựu chặn đường thở và sặc. Người nhà đã cố móc họng con, sốc người con để sơ cứu nhưng hạt lựu không rơi ra. Người bé cứ vậy mà càng lúc càng tím tái rồi ngưng thở. Đến lúc đưa đi viện bệnh viện đa khoa Tâm Phúc ở cách đó khoảng 2km… thì đã bị ngạt.
Các bác sĩ trực hôm đó cho biết hạt lựu nằm chặn ngay đường thở chứ không vào dạ dày thực quản, khiến bé ngạt thở. Mọi chuyện diễn ra rất nhanh, chỉ trong thời gian ngắn không thở được mà con đã bị chết não rồi tử vong tức khắc trong cơn sốc tột cùng của bố mẹ và người thân.
Tang thương trùm lên nhà bé Oanh khi con đi quá đột ngột
Đây không phải là lần đầu tiên trẻ hóc phải thực phẩm trong lúc ăn uống.
– Vào th.á.n.g 8 năm 2016 cũng từng có một bé ở Thái Nguyên chết tức tưởi vì hóc hạt nhãn. Bố mẹ bé vốn đã hiếm muộn, chỉ kiếm được một mụn con trai thì lại chẳng may xảy ra chuyện.
– Đến th.á.n.g 3 năm 2017 lại tiếp một vụ bé 5 tuổi ở tại quận 10, TP.HCM chết vì hóc rau câu.
Cả hai vụ này đều từng khiến dư luận bàng hoàng, các bố mẹ chết sững vì nguyên nhân gây ngạt đều quá quen thuộc.
Vậy mới thấy năm nào vào không kể lúc nào cũng sẽ có bé nạp mạng cho những vụ hóc dị vật trong lúc ăn uống như thế này thôi. Do vậy, điều quan trọng nhất vẫn là sự cảnh giác của bố mẹ và những thao tác sơ cứu khi cần. Cái này nhiều báo, trang web hướng dẫn kỹ lưỡng lắm nhưng bố mẹ cứ làm ngơ, bỏ qua hoài.
Thôi thì nhân đây em cũng xin nhắc lại cho các bố mẹ để cảnh giác nha:
Theo cơ chế, khi thức ăn vào tới miệng, cơ thể sẽ phản xạ bằng cách đóng nắp thanh môn lại để thức ăn xuống đường tiêu hóa. Nhưng khi thức ăn vào miệng quá nhanh thì nguy cơ thức ăn lọt vào đường thở sẽ rất dễ xảy ra. Lúc này các bé sẽ bị hóc, nghẹn và nếu không được sơ cứu ngay trong vòng 4 phút, tức thời gian vàng để cứu sống một người bị ngạt thở do nghẹn, hóc thì chắc chắn nguy cơ tử vong sẽ rất cao. Ngay cả khi cứu được thì khả năng để lại di chứng cũng rất khó tránh khỏi.
Chính vì vậy lúc nào bác sĩ cũng khuyên các bố mẹ phải làm cùng lúc cả 2 việc: gọi cấp cứu 115 và sơ cứu tại chỗ khi con mình bị hóc dị vật. Đây là những hiểu biết căn bản nhất mà tất cả các bố mẹ khi còn nuôi con nhỏ đều cần phải ghi nhớ. Nó là cách duy nhất để cứu sống bé trong lúc nguy cấp.
Còn đây là cách sơ cứu trẻ bị hóc dị vật mà em đã đọc được trên tường nhà bác sĩ Huyên Thảo. Em thấy hữu ích lắm luôn nên xin phép bác, cho em được share để các mẹ biết. Bác hướng dẫn rất cụ thể cho từng trường hợp và từng độ tuổi, các mẹ xem nhé!
Sơ cứu bé hóc dị vật
Đây có thể nói là một loại sơ cứu mà bất kì người nào, già trẻ lớn bé, đều nên biết để làm, vì rất đơn giản, và rất hiệu quả. Chỉ cần một số hành động đơn giản, chỉ trong vài giây, có thể xoay chuyển hoàn toàn một tình trạng có thể chết người.
Chúng ta đã từng nghe hoặc biết những trường hợp rất thương tâm, như sặc sữa, hóc dị vật, hóc các loại hạt, hoặc thức ăn, gây tử vong cho con trẻ, và cả người lớn (tuy ít nghe thấy hơn). Những trường hợp này, có thể khác đi, nếu được sơ cứu đúng lúc, hợp lý, kịp thời.
Đầu tiên, là nên nhận biết dấu hiệu nghẹt đường thở. Vì do dị vật, nên dấu hiệu rất đột ngột:
Nghẹt đường thở một phần: Nạn nhân hít thở khó khăn, tạo tiếng động lớn, hoặc hớp khí để cố gắng thở, có thể nghe thấy có tiếng rít qua miệng. Nạn nhân có thể ho khan. Vì khó chịu và thiếu khí, nên nạn nhân tỏ rõ sự khó chịu, sợ hãi. Da niêm, môi trở nên nhợt nhạt, hoặc bầm đỏ, chuyển sang xanh.
Nghẹt đường thở hoàn toàn: Nạn nhân không thể ho, không thể thở, không thể nói chuyện. Vì thiếu khí nên nạn nhân tỏ rõ sự cố gắng hít thở, qua sự co kéo lồng ngực, các xương vai, và hõm ức. Mặt nạn nhân chuyển màu xám, môi tím xanh. Thường nạn nhân sẽ dùng hai tay nắm chặt vào cổ họng, rất hốt hoảng (nhìn thấy dấu hiệu này, là xông vô cứu liền, đừng hỏi han chi mệt, tại không trả lời được đâu!).
Sơ cứu như thế nào:
Qui luật chung: 5 đập sau lưng, 5 ấn trước ngực!
Đối với trẻ nhũ nhi – dưới 1 tuổi:
Đặt trẻ nằm sấp dọc theo cẳng tay. Dùng gót bàn tay đập vào khoảng lưng giữa hai xương vai 5 cái liên tục, chậm, chắc. Kiểm tra xem có dị vật ra chưa, trẻ có thông đường thở chưa (trẻ hồng hào, khóc lớn).
Nếu sau 5 lần đập lưng mà chưa thông được, đặt trẻ nằm ngửa trên mặt phẳng an toàn, dùng hai ngón tay giữa, ấn thẳng góc 90 độ vào giữa xương ức (xương to giữa ngực), mức ngang với đường nối hai núm vú của trẻ. Ấn 5 lần chậm, chắc. Kiểm tra trẻ còn bị nghẹt hay dị vật được tống ra miệng rồi. Nếu thấy có dị vật tống ra và còn ở trong miệng, nhẹ nhàng lấy ngón tay út của mình lùa dị vật ra ngoài.
Nếu trẻ vẫn còn hóc, la lớn gọi giúp đỡ, nhờ gọi cấp cứu ngay. Trong thời gian chờ cấp cứu, vẫn tiếp tục 5 lần đập lưng, 5 lần ấn ngực xen kẽ, cho đến khi hết hóc, hoặc đến khi xe cấp cứu đến.
Nếu thấy trẻ bất tỉnh, làm PCR (hô hấp tim phổi nhân tạo).
Đối với trẻ em lớn, và trẻ tuổi teen:
Gập người trẻ về phía trước. Sử dụng gót bàn tay đập mạnh 5 lần ở khoảng lưng sau, giữa hai xương bả vai.
Nếu chưa thông, chuyển sang làm 5 lần ấn ngực. Một tay để sau lưng, ngay giữa hai xương bả vai, một tay để ngay giữa ngực ngay trên xương ức. Ấn gót tay để giữa ngực thẳng từ trước ra sau. (Bạn có thể sử dụng thủ thuật Hemlich cho trẻ nếu bạn thấy thoải mái hơn – được nói ở phần sau dành cho người lớn)
Nếu vẫn chưa thông, la lên kêu cứu, nhờ gọi cấp cứu, và tiếp tục xen kẽ, 5 lần đập lưng, 5 lần ấn ngực.
Nếu trẻ bất tỉnh, đặt trẻ nằm xuống, bắt đầu PCR.
Đối với người lớn:
Cũng bắt đầu bằng đập lưng, 5 lần, chậm, chắc.
Nếu không thông, chuyển sang thủ thuật Heimlich, vì người lớn rất khó làm ấn ngực hiệu quả nếu không nằm thẳng. Khi làm thủ thuật Heimlich, (xem hình), đứng hoặc ngồi phía sau nạn nhân, vòng hai tay ra trước ngực của nạn nhân, một bàn tay nắm lại thành nắm đấm, bàn tay còn lại bao lấy nắm đấm này, ở vị trí ngay trên bao tử, ngay dưới xương ức giữa ngực. Xốc nắm tay vào người nạn nhân tại vị trí này, theo hướng từ trước ra sau, từ dưới lên trên. Lập lại 5 lần, chậm, chắc.
Nếu chưa thông, la lên kêu cứu, nhờ gọi cấp cứu, và tiếp tục xen kẽ, 5 lần đập lưng, 5 lần Heimlich, cho đến khi thông đường thở, hoặc đến khi xe cấp cứu đến.
Nếu nạn nhân bất tỉnh, đặt nằm xuống mặt phẳng an toàn, bắt đầu PCR.
Trong những lần đập lưng, ấn ngực, nếu thấy nạn nhân la nói khóc lớn được, hồng hào trở lại, thì ngưng để kiểm tra dị vật, đừng làm lố các bạn nha!
Đa số các trường hợp hóc nghẹt, nếu sơ cứu càng sớm, đúng cách, sẽ rất ngoạn mục!
Nên nhớ, bình tĩnh mà lo. Có đập với nhấn vài cái đơn giản thôi à, sợ gì mà không thử! Còn nếu đụng chuyện thật mà quýnh quá, thì nhớ đưa tay ra vỗ bộp bộp vô phần lưng trên là được, bạn nha!
Hy vọng hữu ích cho các bạn.
Theo bizviahe
Leave a Comment
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.