Nhiễm độc thai nghén là một chứng bệnh chỉ phát sinh trong thời kỳ thai nghén. Nhiễm độc thai nghén ở 3 tháng đầu, thai phụ có biểu hiện nghén nặng, ở thời kỳ cuối thai nghén (3 tháng cuối) thai phụ có triệu chứng phù, tăng huyết áp, protein niệu… Nhiễm độc thai nghén nếu không được điều trị có thể dẫn tới tiền sản giật, sản giật. Ở sản phụ có nhiễm độc thai nghén, trẻ sơ sinh thường bị ngạt khi đẻ. Dưới đây là hướng dẫn điều trị nhiễm độc thai nghén
Điều trị nhiễm độc thai nghén
Nhiễm độc thai nghén nếu không được điều trị tốt sẽ dẫn đến tiền sản giật và giản giật.
Tiền sản giật: Sản phụ choáng váng, có hiện tượng mắt mờ, có khi buồn nôn, nước tiểu có protein tăng đến 0,5g/l, phù không giảm mà nặng hơn và nước tiểu ít hơn, nhưng chưa có cơn giật.
Nếu huyết áp trên 160/100mmHg mà điều trị không giảm phải lấy thai ra ngay nếu không có thể dẫn đến cơn sản giật.
Sản giật: Thường xảy ra ở thời kỳ cuối của thai nghén, trong khi chuyển dạ và sau đẻ. Sản phụ lên cơn giật và hôn mê có kèm theo phù, tăng huyết áp, protein niệu. Thường xảy ra ở thai phụ mang thai con so nhiều hơn con rạ và thường xảy ra từ tuần thứ 30 trở đi.
Khi bị sản giật, toàn thân co cứng, mắt đảo, đầu ưỡn ra sau, mắt đảo lên trời, rồi ngừng thở, sau đó chuyển rất nhanh sang giật run, co giật ở mặt, giật mạnh ở tay chân. Có thể cắn phải lưỡi và sùi bọt mép, mặt xanh tái rồi chuyển sang thành xám xịt, sau đó co giật giảm dần, sản phụ bị hôn mê rồi thở rống lên. Mạch nhanh, cơn co tăng lên khi giật. Hiện tượng này nếu không được xử lý thì dẫn đến suy tim, phù phổi, chảy máu não thậm chí tử vong.
Đối với sản giật trước đẻ, những cơn giật có thể dẫn đến đẻ non, thai nhi thường chết. Nếu được điều trị tốt, sản phụ có thể chuyển dạ đẻ thường và thai nhi sống.
Đối với sản giật trong khi chuyển dạ, cơn giật sẽ làm cơn co tử cung mạnh. Vì vậy nếu cổ tử cung của sản phụ mở chậm phải xử trí bằng mổ lấy thai ngay.
Sản giật sau đẻ thường nhẹ hơn, cơn giật thường xảy ra vài giờ sau đẻ. Vì vậy đối với sản phụ sinh tại trạm y tế có cơn giật cần phải theo dõi từng cơn giật, đo huyết áp, thử nước tiểu thường xuyên và cần phải cấp cứu nhanh chóng, đồng thời phải chuyển ngay bệnh nhân đến bệnh viện có chuyên khoa sản để điều trị.
Biến chứng của nhiễm độc thai nghén
1. Tiến triển
Nếu cơn sản giật càng mau thì tiên lượng càng xấu đe dọa đến tính mạng mẹ và thai. Thông thường, chuyển dạ sẽ xuất hiện và tiến triển nhanh trong vòng 1-2 giờ, song cũng có thể không xảy ra chuyển dạ làm cho tiên lượng nặng thêm.
Tiên lượng:
* Đối với thai phụ: dựa vào các yếu tố:
– Huyết áp.
– Phù.
– Protein niệu.
– Số lượng nước tiểu.
Thai phụ nếu được điều trị: các yếu tố trên trở về bình thường là tốt.
Nếu các yếu tố trên tiến triển nặng lên là xấu có thể đe dọa đến tính mạng. Tỷ lệ tử vong là 5%.
* Đối với thai nhi: dựa vào huyết áp tâm trương
– Khi huyết áp tối thiểu > 100 mmHg: suy thai mạn, thai kém phát triển.
– Khi huyết áp tối thiểu > 120 mmHg: thai chết lưu.
Sản giật dẫn tới tử vong con là 50%.
2. Biến chứng:
Thai phụ có thể chết do các nguyên nhân sau:
– Tai biến mạch máu não xảy ra khi cơn co giật liên tiếp và huyết áp tăng cao.
– Phù phổi cấp, suy tuần hoàn, hô hấp, gây tổn thương cơ tim vì co thắt mạch.
– Suy thận cấp, gây vô niệu.
– Ngừng thở kéo dài do cắn phải lưỡi.
– Viêm thận mạn tính, gây tăng huyết áp.
– Mù lòa do hậu quả của biến chứng mạch máu ở đáy mắt.
– Liệt nửa người do di chứng xuất huyết não.
– Loạn thần sau sản giật.
Theo Suckhoedoisong.vn
Leave a Comment
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.