Có khoảng 100 chủng virus HPV, trong đó chủng 16 và 18 gây ra 70% trường hợp ung thư cổ tử cung.
Ung thư cổ tử cung chủ yếu do virus HPV (Human papillomavirus) gây ra. Căn bệnh không đến đột ngột, mà diễn tiến âm thầm trong 10-15 năm. Đầu tiên là biến đổi bất thường ở tế bào cổ tử cung. Đến giai đoạn tiền ung thư, nữ giới hầu như không có triệu chứng nhận biết nếu chưa thăm khám phụ khoa.
Bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và thiên chức làm mẹ của người phụ nữ. Ngoài ra, virus HPV còn là nguyên nhân gây ung thư âm hộ, âm đạo và mụn cóc sinh dục ở cả nam lẫn nữ. Đặc biệt, HPV có thể lây từ mẹ sang con và dẫn đến di chứng về đường hô hấp cho trẻ.
Ung thư cổ tử cung phổ biến thứ hai ở phụ nữ trưởng thành, chỉ xếp sau ung thư vú. Thống kê ở Việt Nam cho thấy, mỗi ngày có đến 14 trường hợp mắc mới và 7 phụ nữ chết vì ung thư cổ tử cung. Khoảng 5.000 phụ nữ trẻ phải tạm gác lại công việc, mơ ước, cuộc sống tương lai để điều trị bệnh.
Bệnh thường gặp ở phụ nữ trung niên từ 35- 40 tuổi, song gần đây, tỷ lệ phát bệnh đang có xu hướng trẻ hóa. Một số trường hợp được chẩn đoán bệnh lý ở độ tuổi 40, nhưng khi làm các xét nghiệm, thì phát hiện thấy mầm mống virus HPV đã âm thầm tồn tại trong cơ thể khi còn là thiếu nữ.
Phụ nữ cần nâng cao ý thức phòng bệnh, quan hệ tình dục an toàn và thăm khám phụ khoa định kỳ. Biện pháp phòng đơn giản và hiệu quả là tiêm đủ 3 mũi văcxin ngừa virus HPV trong vòng 6 tháng cho nữ giới 9-26 tuổi, không quan tâm đã quan hệ tình dục hay chưa.
Nếu không tiêm ngừa, hơn 50% phụ nữ có quan hệ tình dục sẽ nhiễm HPV vào thời điểm nào đó trong đời, nguy cơ nhiễm HPV trong suốt cuộc đời có thể đến 80%.
Theo An San/Vnexpress.net
Leave a Comment
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.