
Những sai lầm nghiêm trọng này của mẹ sẽ khiến bé trở nên biếng ăn, sợ ăn, hoặc nếu bé có ăn tốt nhưng lại không tăng cân, thậm chí còn chậm lớn…
1. Cho bé ăn dặm quá sớm
Hiện tại mẹ được nghỉ thai sản 6 tháng nên có thể thời điểm cho bé ăn dặm sẽ bị trì hoãn, nhưng trước đây, cứ khoảng tháng thứ 4 là mẹ đã tập cho con ăn dặm. Thật khổ sở, vì còn bé mà đã phải dung nạp bột có khi 3 bữa/ngày. Bé ăn dặm quá sớm sẽ bị nôn trớ, rối loại tiêu hóa (đi phân sống, tiêu chảy)… tệ hơn nữa là sẽ khiến bé chán ăn, bỏ ăn, chậm lớn. Cũng tội nghiệp các mẹ vì hết kỳ thai sản (4 tháng) là phải trở lại với công việc, nên đành phải cho con ăn dặm sớm mới có thể yên tâm.
Vậy thời điểm nào phù hợp để cho bé ăn dặm? Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nên cho trẻ bú hoàn toàn trong sáu tháng đầu, từ 6 tháng bé mới bắt đầu tập ăn dặm với các bữa nhỏ, dung lượng ít, từ tháng thứ 12 trở đi mới nên cho bé ăn dặm ngày 3 cữ. Dưới 1 tuổi, sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính của trẻ để đảm bảo bé phát triển tốt. Không hẳn cứ cho bé ăn thêm tinh bột, gạo thì bé mới mau lớn, mới tăng cân nhanh.
2. Mẹ ép bé ăn nhiều
Có bà mẹ con mới 6 tháng nhưng đã bắt bé ăn mỗi ngày 3 bữa bột/cháo xay, mỗi lần lưng chén cỡ chén cơm Minh Long. Nếu bé ăn không hết mẹ lại than thở: “bé nhà mình ăn được có nửa chén, mà lần nào ăn xong cũng ói lên ói xuống”. Có mẹ cho con ăn nhiều do bà nội bảo phải ăn nhiều chắc bụng bé mới ngủ ngon. Thực tế, bé mới ăn dặm chỉ ăn được bột ngọt và dung lượng chỉ từ 100 – 150ml bột lỏng/ngày (bé 6-8 tháng). Chỉ nên cho bé ăn bột mặn khi bé trên 8 tháng tuổi. Trên 1 tuổi mới nên cho bé ăn ngày 3 cữ, mỗi bữa khoảng 200 ml và từ 18 tháng trở lên mới nên tập cho bé ăn cơm nát ít một.
Nếu mẹ cho con ăn dặm quá sớm, ăn cơm sớm sẽ khiến bộ máy tiêu hóa của con mất ổn định, thậm chí còn khiến bé đau dạ dày sau này.
3. Thêm cháo/bột, bớt sữa
Thực tế là bé dưới 1 tuổi vẫn cần sữa cho bữa chính, bột/cháo chỉ là bữa phụ, ăn thêm, ăn chơi thôi. Trẻ dưới 12 tháng tuổi lớn là nhờ sữa không phải nhờ ăn. Nhiều mẹ khi bắt đầu cho con ăn dặm là giảm luôn lượng sữa cần phải có đủ trong ngày cho bé, với lý do: uống sữa nhiều thì bụng đâu mà ăn cháo/bột.
Các mẹ nên nhớ, bé 5 tháng tuổi cần 1.200 – 1.400 ml sữa mỗi ngày. Lên 6 tháng, bắt đầu tập ăn dặm, nhưng cũng cần uống lượng sữa từ 1.200 – 1400 ml sữa mỗi ngày, còn ăn dặm chỉ là vài muỗng nhỏ “tập sự”. Trẻ 8 tháng tuổi ngoài ăn dặm phải uống từ 900ml – 1200ml sữa và 10 tháng tuổi vẫn cần uống từ 700ml – 1.000 ml sữa mỗi ngày. Lượng sữa này có thể ít hay nhiều tùy nhu cầu của từng bé.
4. Bổ sung thịt/cá quá sớm cho bữa ăn
Cho con ăn bột mặn hoặc cháo kèm theo thịt, cá, trứng… xay nhuyễn quá sớm (từ tháng thứ 6) sẽ khiến trẻ khó hấp thu, dẫn đến bé bị đầy bụng, khó tiêu, cảm thấy khó chịu, khóc, nhè, nôn trớ hoặc đi phân sống cả tuần, tiêu chảy… đó là những phản kháng tự nhiên của cơ thể. Ngoài những triệu chứng trên, nếu mẹ cho bé ăn mặn quá sớm sẽ làm tăng nguy cơ bé mắc chứng biếng ăn ở trẻ.
Vậy khi nào bé có thể ăn thêm thịt, cá? Mẹ chỉ nên cho bé ăn các thức ăn nhiều đạm như thịt, cá, trứng… khi bé trên 8 tháng tuổi. Quy tắc là cho bé ăn từng ít một, xen kẽ các bữa mặn-ngọt và cho bé ăn bột mặn vào buổi sáng để bé dễ tiêu hóa.
5. Mẹ quá quy tắc trong việc nấu ăn cho bé
Không nhất thiết chén cháo nào cũng phải cho dầu oliu, nếu không có dầu oliu mẹ có thể thay bằng các loại dầu thực vật dành cho bé, cháo đặc hay loãng tùy vào khả năng của bé chứ không nhất thiết phải có độ đặc sánh, nếu không dùng bột thì mẹ có thể dùng nước mắm thậm chí một chút muối để nấu cho con… Chẳng có bất cứ quy tắc nào trong bữa ăn của bé cả, mà tùy thuộc vào sở thích, khả năng ăn dặm của bé để mẹ chế biến. Các công thức hướng dẫn chỉ mang tính tương đối và mẹ cần phải linh động, uyển chuyển trong quá trình chế biến cho bé như: gia giảm liều lượng thực phẩm và gia vị, xay nhuyễn vừa bé không ăn được thì phải xay mịn, từ từ xay thành hạt to hơn… Nếu quá nguyên tắc, mẹ sẽ vô cùng mệt mỏi với bữa ăn của con, gây áp lực ăn uống cho con (mẹ nấu mất công mà con không ăn là sao?)…
6. Mẹ không kiên trì khi cho con ăn dặm
Không kiên trì sẽ dẫn đến mẹ thất vọng khi con ăn thô kém, con ăn ít, con hay ói-nhè. Thực tế, khi thử tập cho bé ănmột món mới, một loại thức ăn mới, bé cần nhiều ngày liên tục để làm quen với món ăn. Ăn thô cũng diễn ra từ từ, có bé 1 tuổi đã ăn thô giỏi, ăn được cả cơm hột, nhưng có bé 2 tuổi vẫn ăn cháo.
Không kiên trì khiến cả mẹ và bé đầu hàng với việc ăn dặm (tập ăn), hoặc không theo các bước, dễ thỏa hiệp với cháo xay nhuyễn hoặc chỉ ăn những món quen thuộc. Lâu dần dẫn tới tình trạng bé suy dinh dưỡng, ốm yếu, biếng ăn…
Nguồn : http://www.webtretho.com/forum/f81/sai-lam-can-tranh-khi-cho-be-an-dam-2010824/
Leave a Comment
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.