Chỉ với 9 thói quen này mẹ giúp con phát triển tốt về tư duy và khả năng ngôn ngữ

  • Home
  • Cẩm nang sau sinh
  • Chỉ với 9 thói quen này mẹ giúp con phát triển tốt về tư duy và khả năng ngôn ngữ

Thông thường, con các mẹ bao nhiêu tháng thì bập bẹ nói nhỉ? Con gái chị họ em thuộc dạng chậm nói lắm luôn ạ. Gần 3 tuổi đầu mà bé vẫn chưa nói được một chữ rõ ràng, cứ “ơ ơ” không à. Gương mặt bé lúc nào cũng buồn buồn, có vẻ lầm lầm lì và thích chơi một mình. Người lớn gọi thì bé quay sang nhìn rồi quay đi hướng khác chứ không mở miệng trả lời. Mà chị họ của em tính nóng và cộc lắm nên con gái bị ăn đòn như cơm bữa vậy. Chơi dơ đánh, biếng ăn đánh, không nghe lời đánh, khóc đánh… Nói chung, bé làm gì phật ý mẹ dù chỉ một chút thôi là ăn đòn.

 

 

Nhà chị em ở thành phố nên cửa ngõ cứ đóng im ỉm vì xểnh ra là ăn trộm vào khuâng cho bằng hết đồ đạc. Thế là con bé bị đánh xong chỉ biết khóc tu tu rồi lủi thủi trong nhà một mình. Thấy cháu sao lâu biết nói quá ông bà ngoại ngoài quê cứ tưởng cháu bị câm các mẹ ơi. Sau này biết được do bé bị mẹ cho ăn đòn nhiều nên ông mới gọi điện khuyên lơn, bảo đừng có đánh cháu nữa. Còn bà ngoại thì khóc hu hu trong điện thoại vì thương cháu.

Đến chừng 3 tuổi, con bé được cho đi nhà trẻ, có cơ hội tiếp xúc, chơi đùa với với mấy bạn cùng tuổi t nên bé dạn dĩ và tươi tắn hẳn ra. Lúc này bé bắt đầu phản ứng khi có người gọi, cũng biết cười đùa với những người xung quanh, cũng bập bẹ tập nói dù tiếng có tiếng không. Giờ đây, bé được 5 tuổi và phải nói là “thay da đổi thịt” hoàn toàn luôn các mẹ ơi. Bé nói cười vui vẻ cả ngày, giọng vẫn còn hơi lơ lớ nhưng được vậy là mừng rồi các mẹ ạ!

Chị họ em mắc lỗi rất lớn trong việc dạy con nói đó là cộc cằn với con và không cho con tiếp xúc với thế giới bên ngoài dẫn đến việc con bị chậm phát triển khả năng ngôn ngữ. Đối với trẻ nhỏ, vốn từ ngữ rất hạn chế và mẹ thường chỉ giao tiếp 1 chiều với bé. Lúc này, nếu mẹ không kiên trì để duy trì các cuộc nói chuyện với con, bé sẽ bị chậm nói. Ngoài ra, nếu bé được mẹ tạo cho môi trường vui vẻ, hòa đồng, có bạn bè nhiều thì tự nhiên sẽ nảy sinh nhu cầu muốn giao tiếp, nói chuyện hoặc giao lưu. Do đó, nếu không cho trẻ đi ra ngoài nhiều để vui chơi với bạn bè, trẻ sẽ chậm nói hơn, thậm chí có thể dồn bé vào bệnh tự kỷ.

Hôm qua em có đọc được bài chia sẻ về một số mẹo nhỏ bố mẹ có thể áp dụng khi con tập nói cùng con, các mẹ xem có áp dụng được không nha.

Sử dụng hành động, cử chỉ

Những cử chỉ đơn giản kết hợp với mệnh lệnh có thể giúp trẻ hiểu nhanh hơn những gì bố mẹ muốn nói. Các nghiên cứu khoa học cũng đã khẳng định, sử dụng cử chỉ hoặc hành động khi giao tiếp sẽ giúp trẻ nhanh biết nói hơn.

Thảo luận cùng con

Khi đọc sách, bố mẹ hãy nói cho con biết mình đang đọc cái gì và cho con thời gian chú ý vào quyển sách. Đôi khi bố mẹ có thể dừng lại và hỏi con về đồ vật hoặc màu sắc trong trang sách để con tự cảm nhận và tư duy những điều này.

Khuyến khích con nhớ tình tiết trong các câu chuyện trước đó

Nếu quyển sách này bố mẹ đã đọc rất nhiều lần cho con nghe thì lần này hãy dừng lại và khuyến khích con nhớ lại rồi kể một vài tình tiết có trong đó. Việc này giúp kích hoạt khả năng phản xạ, ghi nhớ và trình bày ở con khá tốt.

Trò chuyện thường xuyên với con

Nói chuyện với con hằng ngày là phương pháp rất hiệu quả và được nhiều chuyên gia khuyến khích thực hiện. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên sử dụng những câu tán dương để kích thích sự hào hứng ở con. Trong những lúc này, bố mẹ nhớ là phải luôn nhìn vào mắt và gọi tên con nhé!

Chơi đùa cùng con


Bé sẽ rất vui nếu bố mẹ luôn coi con là một người bạn thân thiết và thoải mái chơi đùa cùng. Bố mẹ cũng có thể khuyến khích con kể những chuyện mình đã làm trong ngày hôm nay hoặc chơi trò ú òa. Sự tương tác giữa bố mẹ và con trẻ sẽ gia tăng sự thân thiết, đồng thời phát triển kỹ năng vận động và ngôn ngữ ở trẻ.

Cho con cơ hội được nói chuyện qua điện thoại

Trẻ thường rất thích điện thoại, vì thế khi có cuộc gọi nào từ bạn bè hoặc người thân trong gia đình, bố mẹ nên đưa điện thoại và cho bé tự nói chuyện. Trong lúc này, bố mẹ hãy ngồi bên cạnh và nhắc bé những câu như: “Ông/ bà/ cô/ chú đang làm gì? Đã ăn gì chưa?”…

Cho bé chơi trò chơi từ ngữ

Trò chơi sẽ giúp bé học nói nhanh hơn. Do đó, bất kể khi nào ở nhà bếp, phòng tắm, siêu thị, đường phố, bố mẹ hãy hỏi con rằng “đây là cái gì?” và cho con thời gian để kích thích khả năng ghi nhớ và phản ứng của con. Để tránh làm con căng thẳng, bố mẹ hãy hỏi những thứ quen thuộc xung quanh con, sau đó tăng dần độ khó lên.

Kể con nghe hôm đó bố mẹ đã làm gì

Nghe người lớn nói chuyện là một trong những phương pháp giúp con học nói rất hiệu quả. Vì vậy, bố mẹ hãy kể con nghe những gì mình đã làm trong ngày hôm đó. Ví dụ những thứ mẹ đã mua trong siêu thị, mẹ đang nấu cái gì… Trước khi bé đi ngủ, bố mẹ hãy hỏi xem hôm nay bé đã làm những gì, bé thích việc gì nhất…

Cho bé chơi thật nhiều với các bạn cùng tuổi

Khi được chơi đùa cùng nhau, những đứa trẻ sẽ cố gắng giao tiếp với nhau thật nhiều. Trong những lúc như thế này, sẽ có một số bé nói nhiều hơn, khi đó bé khác sẽ bắt chước từ đó nâng cao vốn từ vựng và phản xạ. Hơn nữa, những buổi đi chơi như thế này sẽ giúp con phát huy khả năng giao tiếp và biết cách tư duy làm sao để làm quen với những người bạn mới.

 

 

Nguồn : https://www.webtretho.com/forum/f71/me-thuong-xuyen-lam-9-dieu-nay-voi-con-be-se-som-noi-nhu-sao-tu-duy-ben-nhay-suy-luan-sac-sao-tu-tam-be-2624376/

Loading...
Tags:
Leave a Comment