Chế độ thai sản áp dụng từ 01/03/2018 sẽ có những thay đổi mới trong thủ tục làm hồ sơ. Các mẹ nhớ kỹ điều này để không bị mất quyền lợi nha!
Bên cạnh những thay đổi mới như tăng mức trợ cấp thai sản gần 7% cho phụ nữ sinh con thì việc chồng cũng được hưởng chế độ nghỉ thai sản khi có vợ sinh con là một trong những quy định mới nhất bắt đầu có hiệu lực từ 01/3/2018.
Những năm trở lại đây, chế độ thai sản được xem là một trong những vấn đề mà mẹ bầu nào cũng quan tâm bởi nó liên quan trực tiếp đến quyền lợi của mẹ và bé. Trong năm 2018 sẽ có những quy định mới liên quan đến chế độ thai sản. các mẹ nhất định phải nắm rõ để không bị mất quyền lợi của mình nhé.
Từ 1/3/2018: Quy định mới về hồ sơ hưởng chế độ thai sản
Theo như thông tư 56/2017/TT-BYT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế có hiệu lực từ ngày 1/3/2018. Đặc biệt, đáng chú ý là quy định áp dụng các biểu mẫu mới trong thủ tục hưởng trợ cấp chế độ thai sản và chế độ bảo hiểm do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, các biểu mẫu mới.
Trước nay khi muốn hưởng chế độ nghỉ thai sản các mẹ phải luôn có một bộ hồ sơ đúng chưa ạ? Và bộ hồ sơ này phải hợp lệ thì mới nói tới chuyện quyền lợi được. Và trong năm nay, cụ thể là từ 01/03/2018 thì hồ sơ hưởng trợ cấp thai sản sẽ phải có những giấy tờ đầy đủ thế này theo quy định biểu mẫu mới nhất:
1. Mẫu giấy giới thiệu đề nghị giám định;
2. Mẫu giấy đề nghị khám giám định;
3. Mẫu giấy ra viện;
4. Mẫu bản tóm tắt hồ sơ bệnh án;
5. Mẫu giấy chứng sinh;
6. Mẫu giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai;
7. Mẫu giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH;
8. Bản đăng ký mẫu dấu, mẫu chữ ký sẽ sử dụng để xác nhận trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
Bên cạnh đó, Thông tư 56 còn quy định về giấy tờ, hồ sơ nhiều khoản khác, trong đó có hồ sơ hưởng chế độ hưởng BHXH một lần và xác định sức khỏe của lao động nữ sau khi sinh con nữa các mẹ nha!
Còn mẹ nào chưa biết phải đủ điều kiện gì để được hưởng chế độ thai sản thì sẵn đây em nhắc lại các mẹ nắm rõ luôn ạ:
Điều kiện được hưởng chế độ thai sản thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Lao động nữ mang thai
– Lao động nữ sinh con
– Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ
– Người lao động nhận nuôi con dưới 6 tháng tuổi
– Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản
– Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội và có vợ sinh con
Từ 1/7/2018: Mức trợ cấp chế độ thai sản tăng gần 7%
Tin này cũng được coi là tin vui với các mẹ nhà mình nà! Từ năm 2018, mẹ sau khi sinh con xong được hưởng bằng 100% mức bình quân tiền lương hàng tháng của 6 tháng liền kề trước khi sinh đó nha. Ngoài ra, còn có cả trợ cấp một lần khi sinh con và nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi tương đương là với 2 tháng lương tối thiểu chung cho mỗi bé.
Không chỉ vậy thôi đâu nha các mẹ, từ 1/7/2018, tiền trợ cấp thai sản cũng sẽ được điều chỉnh tăng cho phù hợp với Điều 38 của Luật bảo hiểm xã hội 2014. Vì theo Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018 (được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2017), mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1.300.000 đồng/tháng lên thành 1.390.000 đồng/tháng kể từ ngày 01/7/2018. Cụ thể, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con sẽ tăng từ mức hiện hành là 2.600.000 đồng cho mỗi con lên 2.780.000 đồng.
Kể ra thì sinh vào năm nay mẹ cũng được hưởng nhiều quyền lợi hơn phải không ạ!
Năm 2018, chế độ thai sản có hiệu lực ngay từ ngày phát hiện có thai
Các mẹ biết không, một tin vui cho các mẹ nữa là chế độ nghỉ thai sản năm 2018 sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày đầu mẹ bầu phát hiện mình có thai đấy ạ. Theo đó, trong thời gian mang thai mẹ bầu sẽ được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày. Thậm chí, với những mẹ bầu ở xa cơ sở y tế hoặc trường hợp mang thai cần chăm sóc đặc biệt sẽ được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai.
Ngoài ra, nếu trong thời gian mang thai xảy các biến chứng sản khoa như sảy thai, sinh non thai chết lưu,… thì mẹ sẽ được hưởng chế độ ưu tiên như sau:
+ Dưới 1 tháng nếu sảy thai: Nghỉ phép 10 ngày;
+ Từ 1-3 tháng nếu sảy thai: Nghỉ phép 20 ngày;
+ Từ 4- 5 tháng nếu sảy thai: Nghỉ phép 3-6 tháng;
+ Từ 6 tháng nếu sảy thai: Nghỉ phép từ 6 tháng trở lên.
Lưu ý: Trong số các ngày này đã tính tổng cộng luôn các ngày nghỉ lễ, và tết và ngày nghỉ hàng tuần.
Có riêng chế độ thai sản cho người chồng
Nếu như trước kia chỉ có người mẹ sinh con mới được hưởng chế độ thai sản thì tính đến năm 2018, trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội, vợ sinh con, cha cũng được trợ cấp một lần bằng 2 tháng lương cơ sở cho mỗi con. Ngoài ra, chồng đóng BHXH đầy đủ thì khi vợ sinh con cũng được nghỉ việc từ 5 đến 14 ngày cho phép theo chế độ thai sản. Cụ thể số ngày nghỉ như sau:
+ Nghỉ 5 ngày làm việc nếu mẹ sinh thường;
+ Nghỉ 7 ngày làm việc nếu vợ sinh con phải phẫu thuật, và con sinh con dưới 32 tuần tuổi;
+ Nghỉ 10 ngày làm việc nếu vợ sinh đôi. Từ sinh 3 trở đi thì mỗi đứa con cộng thêm 3 ngày làm việc;
+ Nghỉ 14 ngày làm việc nếu vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật.
Lưu ý: Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
Chế độ thai sản nếu con mất hoặc mẹ mất sau sinh
Trong trường hợp nếu không may con mất hoặc mẹ mất sau sinh thì luật bảo hiểm xã hội cũng có những quy định riêng về thời gian nghỉ và mức trợ cấp thai sản nữa đó nha các mẹ. Cụ thể:
– Con mất:
Sinh con xong mà không may con mất thì theo quy định được nghỉ 4 tháng tính từ ngày sinh con. Bên cạnh đó, căn cứ Điều 38 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 (còn áp dụng đến năm 2018), mẹ vẫn sẽ nhận được mức trợ cấp một lần bằng 2 tháng lương cơ sở.
Ngoài ra, sau khi sinh con mà sức khỏe của người mẹ còn yếu thì có thể được nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau khi sinh theo quy định tại Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (còn áp dụng đến năm 2018). Cụ thể, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày.
– Mẹ mất:
Theo quy định của pháp luật, trường hợp cả bố và mẹ đều tham gia BHXH mà mẹ mất sau khi sinh con thì bổ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của mẹ. Mức hưởng chế độ thai sản sẽ tính bằng mức bình quân 06 tháng liền kề mức tiền lương đóng BHXH trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người bố. Trường hợp bố mới tham gia BHXH mà chưa đóng đủ 06 tháng thì mức hưởng sẽ tính trên mức bình quân tiền lương đóng BHXH những tháng đã đóng BHXH của bố.
Nếu mẹ không đủ điều kiện được hưởng chế độ thai sản khi sinh con thì bố hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi con đủ 6 tháng tuổi và nếu bố, người trực tiếp nuôi không nghỉ việc thì ngoài tiền lương đó cũng còn được hưởng chế độ thai sản với thời gian còn lại của mẹ theo quy định.
Chế độ thai sản với người mang thai hộ
Đừng tưởng người mang thai hộ không được hưởng các quyền lợi thai sản nha các mẹ. Vì kể từ ngày 1/1/2016, khi có Luật BHXH mới thì chính sách cho người mang thai hộ mới bắt đầu được áp dụng. Cụ thể như sau:
Người mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản về khám thai, sảy thai hay nạo hút và thai chết lưu… tính từ thời điểm mang thai cho đến thời điểm giao đứa trẻ thì cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng thời gian đó phải không được vượt quá 6 tháng.
Nếu từ ngày sinh con đến thời điểm giao con mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đầy đủ 60 ngày, trong đó đã bao gồm luôn cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Ngoài ra, người mẹ nhờ mang thai hộ cũng được hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi như những bà mẹ khác.
Trên đây là tổng hợp tất cả các thay đổi mới nhất trong chế độ thai sản năm 2018 dành cho phụ nữ mang thai và có BHXH. Để được hưởng đầy đủ quyền lợi theo đúng quy định của pháp luật, các mẹ cần nắm rõ quy trình làm thủ tục, hồ sơ cần thiết nhé.
Nguồn : https://www.webtretho.com/forum/f13/thay-doi-moi-trong-viec-ap-dung-che-do-thai-san-ke-tu-ngay-01-3-2018-a-2634310/
Leave a Comment
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.