Cần cân nhắc trước khi truyền dịch khi trẻ bị sốt – TT – Thời tiết nắng nóng, số bệnh nhi bị sốt do siêu vi trùng phải nhập viện không ngừng tăng. Có cháu đã điều trị vừa khỏi thì lại phải nhập viện, vẫn bởi lý do sốt virus. Gia đình cuống lên, nằng nặc đòi… truyền dịch! Liệu có cần thiết không?
TS Nguyễn Tiến Dũng – trưởng khoa nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) – cho biết thông thường khi khám bệnh, trẻ bị sốt đột ngột hai, ba ngày, bác sĩ không tìm thấy nguyên nhân gây sốt do nhiễm vi khuẩn thì kết luận ban đầu sẽ là sốt virus.
Phương pháp chẩn đoán loại trừ này cho kết quả chính xác 90%. Không loại trừ trường hợp trẻ sốt là biểu hiện của bệnh viêm não – màng não, viêm phổi, nhưng chẩn đoán ban đầu vẫn là sốt virus cúm đơn thuần. Do đó, trẻ đã hạ sốt vài ngày rồi sau đó sốt lại thì sẽ buộc phải làm các xét nghiệm để truy tìm nguyên nhân gây bệnh…
Các loại dịch truyền phổ biến là dung dịch đường glucose (5%, 10%), nước muối (nước biển với tỉ lệ natriclorua là 9/1.000), dung dịch tổng hợp nhiều chất điện giải. Theo TS Dũng, nếu truyền 1 lít glucose 5% thì hấp thu vào cơ thể cũng chỉ được 50ml. Bù lại, lượng glucose có thể được hấp thụ nhiều hơn qua đường uống, chẳng hạn bằng nước chanh, nước cam.
Thực tế, trẻ bị sốt siêu vi trùng chỉ nên truyền dịch khi nghi sốt xuất huyết với các biểu hiện ngoài da đi kèm, hoặc trẻ sốt cao, nôn liên tục, không ăn uống được, tiêu chảy mất nước thì phải bổ sung qua đường truyền.
Virus không phải là một tế bào sống, mà nó sống dựa vào tế bào của cơ thể. Khi virus xâm nhập, cơ thể sẽ tiết ra chất loại bỏ virus. Do đó, nguyên tắc cơ bản chữa cảm, sốt là cho trẻ nghỉ ngơi, ăn uống tốt, bổ sung vitamin C, uống paracetamol theo cân nặng. Sức đề kháng cơ thể mạnh lên thì virus càng bị thải loại khỏi cơ thể nhanh.
Cũng chính bởi lý do này mà có quan niệm cho rằng truyền dịch, truyền nước để tăng sức đề kháng tức thời, sốt càng nhanh được đẩy lùi. “Chưa có bằng chứng khoa học về một loại thuốc nào có tác dụng tăng sức đề kháng chỉ trong vài ngày” – TS Dũng khẳng định. Cũng có những trường hợp bị sốt, tiếp nước, đỡ ngay. Nhưng đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, trẻ hết sốt là nhờ tác dụng của thuốc hạ sốt.
Trẻ bị sốt, không đơn giản là chỉ do virus cúm mà có khi là biểu hiện tình trạng bệnh lý khác, nên phải cẩn trọng trong quyết định có truyền dịch hay không. Bệnh nhi bị viêm não – màng não, cơ chế chọn dịch truyền là khác hẳn.
Nguyên tắc là không được truyền muối, đường vì những chất này đi vào cơ thể sẽ làm tăng áp lực lên sọ, tăng phù não, bệnh nặng thêm. Bệnh nhi viêm phổi thì việc chỉ định truyền dịch càng phải nghiêm ngặt hơn. Đại bộ phận bệnh viêm phổi không được truyền dịch vì dịch truyền sẽ làm tăng gánh nặng cho phổi, tim.
Trong trường hợp trẻ bị mất nước, tốt nhất vẫn là bổ sung qua đường uống. Nếu buộc phải truyền dịch thì bác sĩ phải tính toán liều lượng rất kỹ, không thể tùy nghi theo kiểu “thích thì truyền”.
Nguồn : WTT
Leave a Comment
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.