Giai đoạn tâm lý nhạy cảm nhất
Thời điểm này mẹ có rất nhiều cảm xúc nảy sinh. Ngay cả khi mẹ mang thai ngoài kế hoạch, đến tuần thứ 28 này mẹ sẽ bắt đầu cảm nhận thiên chức làm mẹ rõ rệt hơn. Nếu bình thường mẹ không phải là người dễ bộc lộ cảm xúc, ở tuần thứ 28 này mẹ sẽ thay đổi. Mẹ dễ dàng xúc động và rơi lệ trong mọi tình huống dù là đơn giản nhất như xem một bộ phim. Mặc dù cảm xúc của mẹ có rất nhiều sự thay đổi nhưng không có nghĩa là mẹ có nguy cơ mắc chứng trầm cảm sau sinh. Việc có nhiều cảm xúc, trở nên nhạy cảm, mong manh trong giai đoạn này là hoàn toàn bình thường. Đây chính là sự kỳ diệu của tạo hoá khi tăng độ cảm xúc cho các bà mẹ để họ có thể chăm sóc và nuôi dưỡng con mình một cách nhạy cảm và tình cảm hơn.
Cơ thể mẹ thay đổi?
- Em bé trong bụng bắt đầu phát triển hơn và sẽ dịch chuyển xuống chèn vào bàng quang khiến mẹ cần đi tiểu nhiều hơn bình thường. Thậm chí, mẹ sẽ cảm giác khó chịu vì đi tiểu nhiều lần nhưng vẫn có cảm giác là chưa tiểu hết. Mẹ phải cố gắng làm trống bàng quang mình và vệ sinh tốt để tránh nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu. Tuyệt đối không nhịn tiểu mẹ nhé !
- Dù mẹ đang rất mệt mỏi và thèm ngủ tuy nhiên lại khó đi vào giấc ngủ như ý muốn. Đây cũng là triệu chứng thông thường trong ba tháng cuối thai kỳ và khó khắc phục.
- Mẹ cũng cảm thấy khó chịu với chứng chuột rút do giãn tĩnh mạch ở chân. Có thể do áp lực của tử cung mở rộng, chèn lên các mạch máu dẫn xuống chân mẹ, chặn các dây thần kinh dẫn từ thân đến chân khiến chân bị chuột rút. .
Thay đổi về mặt tâm lý
- Nếu mẹ còn đang đi làm, mẹ sẽ có một chút cảm giác nặng nề và rất khó tập trung. Nếu mẹ đang làm công việc toàn thời gian, sẽ có khả năng muốn chuyển sang làm việc bán thời gian cho đến khi mẹ nghỉ thai sản.
- Nếu mẹ còn phải chăm sóc thêm đứa con lớn trong lúc mang thai, mẹ sẽ không có thời gian nghỉ ngơi. Vì vậy mẹ hãy tranh thủ kết hợp việc nghỉ trưa với các con. Hãy thoả thuận với ông xã việc chăm sóc con cái, phân chia việc nhà để mẹ có thời gian nghỉ. Sự mệt nhọc có thể làm tâm trạng mọi người trong nhà đi xuống.
- Mẹ sẽ gặp khó khăn trong việc tập trung. Hãy tự ép mình phải thật sự tập trung trong vòng một tiếng và nghỉ giải lao. Nó sẽ rất hiệu quả !
Những thay đổi của bé
- Bé sẽ có chiều dài khoảng 37,6 cm tính từ đỉnh đầu đến mông, cân nặng khoảng 1,05kg. Từ giờ đến vài tuần kế tiếp, bé sẽ tiếp tục tăng cân.
- Các lớp mỡ đang được tích tụ dưới da của bé và làm da bé căng hơn, đỡ nhăn nheo hơn trước. Các nếp nhăn ở da tay chân và cơ thể sẽ được bồi đắp liên tục, cho đến khi sinh sẽ thấy da của bé trở nên mềm mại hơn và bé nhìn bụ bẫm hơn.
- Não bộ của bé lớn dần và hệ thần kinh từ từ được hoàn chỉnh. Khi bé được sinh ra, bé sẽ có hàng triệu dây thần kinh cảm nhận những động tác và kích thích đầy tình yêu thương của mẹ và để hình thành quá trình tạo các khớp nối các thần kinh với nhau tạo một hệ thống thần kinh trưởng thành.
- Ở tuần này, bé bắt đầu xoay ngôi trong bụng mẹ, xoay đầu lên, xoay đầu xuống, xoay bên hông và thậm chí xoay đầu ngang rốn. Quá trình xoay đổi ngôi sẽ kết thúc nhanh chóng vì khi bé càng lớn thì càng không còn nhiều chỗ cho bé xoay trở.
- Móng tay của bé đã được hình thành đầy đủ. Vài bé phải được cắt móng tay sau vài ngày sinh vì sợ bé tự làm trầy mặt mình.
Lời khuyên cho mẹ :
- Hãy lập danh sách các câu hỏi mẹ thắc mắc khi đi khám thai vì có thể mẹ sẽ quên những điều quan trọng khi gặp bác sĩ. Mẹ cũng nên tránh tối đa những cảm giác sợ hãi, buồn rầu hay tiêu cực.
- Để cải thiện tình trạng chuột rút, các mẹ nên đi tất chân phù hợp với thời tiết để giữ ấm chân, ngâm mình hoặc tắm mát và tránh đứng quá lâu. Kiểm tra việc tăng cân và nâng chân và đùi cao bất cứ khi có thể. Chứng giãn tĩnh mạch có thể giảm sau khi sinh vài tháng.
- Để hạn chế việc mất ngủ, mẹ nên duy trì thói quen trước khi đi ngủ của mình, tránh đưa lượng caffeine vào cơ thể vào buổi chiều, nằm ở hướng gió mát nhè nhẹ trong phòng ngủ và đảm bảo một cái giường thật êm ái cùng gối dựa giúp mẹ thay đổi tư thế cho thoải mái. Vài tiếng động dễ chịu như tiếng quạt gió hoặc âm nhạc thư giãn cũng hữu ích. Mẹ tuyệt đối không nên dùng thuốc an thần và thuốc ngủ vì những loại dược phẩm này có tính rủi ro cao và không có lợi cho thai nhi. Thay vào đó, mẹ nên uống sữa, kê thêm gối, nằm nghiêng một bên và kê đùi trên gối ôm dài. Hãy để máy tính và điện thoại ngoài phòng ngủ. Dọn dẹp phòng ngủ tạo không gian thoải mái vì phòng ngủ là nơi mẹ nghỉ ngơi và thanh tịnh.
- Mẹ nên thưởng thức các món ăn mình yêu thích một cách điều độ. Nếu mẹ thật sự thèm món nào đó và nó không có hại cho cả mẹ và bé cưng thì mẹ đừng hạn chế. Hãy tránh các món ăn có chứa vi khuẩn Listeria gây bệnh truyền nhiễm theo đường ăn uống.
- Mẹ không cần đợi cho đến khi bé chào đời mà hãy bắt đầu giao tiếp với bé bằng các cách như nói chuyện, ca hát, xoa bụng và tưởng tượng hình ảnh về bé. Tất cả đều tạo nên mối dây liên kết tình cảm với bé ngay từ trong bụng mẹ. Hãy nghĩ về hành trình mang thai trong những tuần sắp tới. Vài năm sau khi nhớ lại giai đoạn này, chắc chắn mẹ sẽ có rất nhiều điều thú vị để kể lại cho con.
-Sưu Tầm/Tổng Hợp-
Leave a Comment
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.