Tổng hợp các vấn đề mẹ nào cũng thắc mắc sau khi sinh ( Phần 2 )

Sau sinh có hàng ngàn vấn đề mẹ nào cũng thắc mắc, đặc biệt là giữa một số quan niệm kiêng cữ giữ truyền thống và hiện đại. Vậy cùng Bầu Bụng Bự giải đáp thắc mắc của các mẹ nhé !


21. Hay khóc hay buồn

Cảm giác buồn buồn là điều bình thường trong vài tuần đầu sau khi mẹ sinh em bé. Trên thực tế, có đến 80% phụ nữ mới làm mẹ gặp phải hiện tượng này và chỉ kéo dài trong thời gian ngắn. Tuy nhiên nếu mẹ tiếp tục có cảm giác như vậy trong hơn 2-3 tuần kế tiếp, hãy gọi cho bác sĩ để được hỗ trợ về mặt chuyên môn

22. Trầm cảm sau sinh

Đầu tiên có thể thể hiện qua sự buồn bã, những dấu hiệu và triệu chứng đó diễn ra với cường độ mạnh hơn và kéo dài, cuối cùng ảnh hưởng tới việc chăm sóc em bé và xử lý các công việc hàng ngày khác. Các triệu chứng trầm cảm sau sinh có thể bao gồm:

  • Mất cảm giác ngon miệng
  • Mất ngủ
  • Cáu kỉnh và tức giận dữ dội
  • Mệt mỏi kéo dài
  • Mất hứng thú tình dục
  • Thiếu niềm vui trong cuộc sống
  • Cảm giác xấu hổ, cảm giác tội lỗi hoặc vô dụng
  • Tâm trạng biến đổi nghiêm trọng
  • Khó khăn khi âu yếm bé
  • Trốn tránh khỏi gia đình và bạn bè
  • Có suy nghĩ làm hại bản thân hoặc đứa con

Nếu mẹ đang gặp khó khăn trong việc đối phó với chứng trầm cảm sau sinh trong gia đình, hãy nói chuyện với bác sĩ chuyên khoa.

23. Bố có khả năng bị trầm cảm sau sinh không

Nhìn chung, cứ mười người bố lại có một người mắc phải chứng trầm cảm sau sinh (PND). Trầm cảm sau sinh có nhiều khả năng ảnh hưởng đến người bố (và các bà mẹ) hơn trong năm đầu đời của đứa trẻ.

Các nghiên cứu cần phải được thực hiện nhiều hơn nữa để giúp tìm ra nguyên nhân khiến các ông bố dễ mắc phải chứng trầm cảm sau sinh. Nhưng từ những nghiên cứu cho đến nay, các chuyên gia cho rằng dưới đây là nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm sau sinh :

  • Cảm thấy rất lo lắng hoặc trầm cảm suốt thai kỳ
  • Gặp vấn đề về giấc ngủ khi có em bé
  • Em bé khóc rất nhiều
  • Là cha của cặp song sinh

24. Khám lại sau sinh

Việc tái khám sau sinh (thường được thực hiện trong khoảng 6 tuần đầu) là để chắc chắn sự hồi phục sau sinh của các mẹ vẫn diễn ra tốt đẹp sau khi đã trải qua quá trình mang thai và sinh nở.

Một số sản phụ rất ngạc nhiên hoặc thậm chí còn thất vọng về tính chất “quá nhanh gọn” của việc khám hậu sản và không có sự chi tiết, tưởng chừng như hơi qua loa.

Vì vậy, để cho buổi tái khám thật sự hữu ích với mình, các mẹ nên chuẩn bị những thắc mắc hay băn khoăn trước khi đi khám để hỏi bác sĩ. Thậm chí nếu sợ quên do bận rộn hoặc quá mệt mỏi với những công việc sau sinh, các mẹ có thể ghi chúng vào tờ giấy và mang theo.

25. Bí tiểu sau sinh

Có tỉ lệ khoảng 15% mẹ sau sinh bị bí tiểu. Cách xử trí như sau:

Đầu tiên sản phụ cần tập đi tiểu để tạo lại phản xạ tự nhiên, kết hợp với chườm ấm vùng bụng dưới rốn, uống nhiều nước. Nếu tình trạng không cải thiện sản phụ cần đến cơ sở y tế, bác sĩ sẽ chỉ định cụ thể như cho dùng thuốc kháng sinh chống nhiễm khuẩn, thuốc kháng viêm chống phù nề và nguyên tắc sau cùng hỗ trợ tăng cường trương lực bàng quang giúp khả năng co bóp bàng quang trở lại bình thường…

Để phòng tránh, sau khi sinh, người mẹ cần sớm vận động nhẹ nhàng, tập rặn tiểu bình thường theo tư thế tiểu tự nhiên. Không nên lo sợ đau đớn đối với vết khâu tầng sinh môn mà nín tiểu. Uống nhiều nước, vệ sinh vùng vùng kín sạch sẽ bằng nước sạch và dung dịch rửa vệ sinh phụ khoa (được chỉ định bởi bác sĩ). Luôn luôn giữ khô vùng kín, tránh nhiễm khuẩn vết khâu tầng sinh môn.

26. Không nên ăn gì sau sinh?

Theo bác sĩ Anh Nguyễn, một số thực phẩm sau là nên tránh sau sinh, ít nhất là 3 tháng sau sinh:

  • Nên tránh hải sản, đặc biệt loài nhuyễn thể có 2 mảnh vỏ vì nguy cơ dị ứng và nhiễm khuẩn cao. Có thể ăn cá, mực, tôm, cua. Lưu ý tôm cua là chỉ ăn thịt trắng, bỏ rạch.
  • Chỉ nên dùng 2 bữa cá thu hoặc cá hồi/tuần. Do đó, mẹ được khuyên dùng bổ sung thêm chất béo omega-3 để tiết đủ vào sữa giúp bé phát triển não bộ trước 6 tháng tuổi.
  • Để hạn chế tạo khí gas cho bé, mẹ cũng khuyên ăn ít các loại quả như cam, quýt, bưởi ít nhất 3 tháng đầu sau sinh. Mẹ có thể ăn xoài và đu đủ để cung cấp nguồn vitamin thêm vào.
  • Mẹ nên tránh tuyệt đối trà/cafe, thuốc hút, chất béo trans-fat từ thức ăn nhanh, hạn chế ăn những thực phẩm màu sặc sỡ do có hóa màu, hạn chế mì gói, đồ hộp, hạn chế ăn kẹo và bánh có nhiều đường. Tất cả các thực phẩm này đều làm chất lượng sữa thay đổi, và làm bé gặp nhiều vấn đề tiêu hóa, đi phân sệt và có thể biếng bú.
  • Tránh các thực phẩm có mùi (như quá nhiều tỏi (> 2 tép tỏi/món ăn), thức ăn có vị cay nồng (vị chua thì chấp nhận được). Tất cả những điều này đều ảnh hưởng đến chất lượng và mùi vị sữa.

27. Mẹ sinh mổ ăn uống như thế nào?

Sau khi mổ, các mẹ sẽ được theo dõi tại phòng hồi sức và nằm ở đó theo dõi, không được phép ăn gì trong vòng 6 tiếng. Bác sĩ Song Hà cho biết:

Do các thuốc dùng trong quá trình phẫu thuật làm nhu động ruột và dạ dày của các mẹ hoạt động ở mức độ thấp và yếu. Nếu có thức ăn sẽ rất khó tiêu làm bụng đầy hơi, hoặc táo bón, gây rối loạn tiêu hóa làm cơ thể mệt mỏi khó hồi phục.

  • Đối với các mẹ gây mê trong quá trình mổ chỉ nên uống nước lọc, nước đường, ăn cháo loãng cho tới khi đi trung tiện mới bắt đầu ăn đặc, không uống sữa ngay vì dễ gây tiêu chảy.
  • Đối với các mẹ gây tê khi mổ, có thể ăn cháo loãng, nếu thấy tiêu hóa tốt có thể chuyển sang ăn cơm.

Sau những ngày đó, các mẹ ăn uống như bình thường, không nên kiêng khem. Bổ sung thức ăn giàu đạm và canxi, ăn trái cây, uống nhiều nước để có nhiều sữa cho con bú và tránh táo bón. Nên ăn đa dạng các thức ăn giàu dinh dưỡng như đạm đường, chất sắt, rau củ quả nấu chín và tránh một số thức ăn hay gây dị ứng như các loại hải sản… Ăn đa dạng thức ăn không những giúp vết mổ mau lành mà còn giúp cung cấp dồi dào lượng sữa cho bé bú.

28. Ăn khô và thức ăn mặn

Quan điểm ở cữ ngoài việc khiêng kem nhiều mặt, vấn đề ăn uống cũng kiêng quá mức, chỉ cho các bà mẹ ăn cơm muối tiêu, thịt nạc heo kho thật mặn và nhiều tiêu, ngoài ra không được dùng bất kỳ thứ gì.

Điều này hết sức sai lầm, ăn uống thiếu chất không đủ các thành phần dinh dưỡng, cơ thể mẹ chậm hồi phục, sự tiết sữa cho bé bú giảm, gây ít sữa. Đồng thời gây ra chứng táo bón, dẫn đến đi tiêu khó, có thể gây chứng bệnh nứt hậu môn, trĩ… Ở những bà mẹ có huyết áp cao, khi ăn mặn có thể rất nguy hiểm, làm tăng huyết áp và tiền sản giật – sản giật sau sinh có thể xảy ra.

29. Thực phẩm giúp mẹ lợi sữa (nhiều sữa)?

Tiến sĩ Tạ Thị Tuyết Mai (Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhân dân Gia định) cho biết:

Những thực phẩm giúp mẹ lợi sữa gồm có rau thì là, cỏ methi, mè (vừng), tỏi (tuy nhiên không nên ăn quá nhiều vì có thể ảnh hưởng đến mùi sữa), cà rốt, đu đủ xanh, đậu đen, nghệ, gừng, ngò rí (mùi ta), móng giò… Bản chất của thực phẩm lợi sữa là chứa nhiều phyto oestrogen, an thần thực vật, strerol thực vật, tryptophan. Khi ăn những thực phẩm này, cơ thể mẹ sẽ giải phóng Oestrogen và Prolactin, từ đó tiết ra sữa nhiều hơn.

30. Ăn nhiều cháo móng giò có lợi sữa không?

Bác sĩ Nguyễn Đức Thuấn – Nguyên trưởng khoa Sản II – BV Phụ sản Trung Ương trả lời Tạp Chí Bầu cho biết:

bac-si-nguyen-duc-thuan

Ăn nhiều cháo móng giò chẳng những không có tác dụng lợi sữa mà còn là nguyên nhân gây tắc tia sữa, béo phì cho các mẹ sau sinh.

31. Mẹ nên ăn gì để có sữa tốt cho bé bú?

Để giúp phát triển trí não của trẻ, mẹ nên tăng cường ăn các dưỡng chất có ích cho não và mắt bé, đó là những thực phẩm giàu omega 3 (DHA) như cá chích, cá mòi, cá hồi, cá thu (giới hạn 2 bữa / tuần), có thể uống bổ sung viên dầu cá 1g mỗi ngày, hoặc ăn rong biển, đậu nành, những nguồn rất giàu omega thực vật.

Mẹ nên ăn những thực phẩm giúp tăng hệ miễn dịch cho trẻ, đó là những nguồn thực phẩm có tính chống oxy hóa cao. Những rau quả tươi giàu flavonoid thường có lá màu xanh như cải, xà lách, bó xôi; những rau quả tươi giàu carotenoid thường màu vàng, như: đu đủ, mơ, cà rốt.

Tăng nguồn chất xơ có vai trò prebiotic như tỏi, chuối, măng tây, hành tây, chất xơ tan như táo, cam, cà rốt, đại mạch. Ăn sữa chua để có trực khuẩn lactobacillus.

32. Mẹ ít sữa sau sinh phải làm thế nào?

Th.S, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi (Viện dinh dưỡng Lâm sàng) cho biết:

Không có chuyện người có cơ địa ít sữa hay nhiều sữa. Mẹ có đủ sữa cho con bú cần phải có chế độ ăn uống hợp lý, cho con bú đúng cách để sữa tiết ra. Có một số trường hợp mẹ bị mất sữa hoặc ít sữa đôi khi liên quan tới việc dùng thuốc kháng sinh.

Mẹ sinh mổ vẫn nên cho con bú bình thường. Trẻ mút đầu ti sẽ kích thích cho sữa về nhanh hơn.

Trong trường hợp mẹ sinh mổ xong không có sữa ngay, hoặc sinh xong quá mệt mỏi… người nhà nên bồi bổ cho mẹ để sữa nhanh về. Nếu như mẹ chưa có sữa ngay mà đứa trẻ có nhu cầu ăn, cách tốt nhất là nên xin sữa của các bà mẹ bên cạnh để chờ đợi sữa về.

33. Làm thế nào thúc đẩy nguồn cung sữa?

Một khi các mẹ đã kiểm tra bé nhà mình đã được ngậm ti đúng cách chưa, các mẹ cũng có thể thử những cách sau đây để thúc đẩy nguồn sữa:

  • Để trẻ ăn như thường xuyên và kéo dài miễn là trẻ muốn. Để lộ cả hai bầu ngực mỗi lần cho bú
  • Chỉ để trẻ bú sữa mẹ. Nếu các mẹ làm dịu cơn đói của trẻ bằng sữa công thức, trẻ sẽ cần ít sữa mẹ và mẹ sẽ không sản sinh nhiều sữa được
  • Cố gắng không cho trẻ ngậm ti giả
  • Cố gắng vắt sữa của mình sau mỗi lần cho ăn. Loại bỏ sữa thừa trong ngực sẽ giúp các chị em tạo ra nhiều sữa hơn
  • Thử các phương pháp thư giãn. Nếu căng thẳng hoặc thiếu ngủ khiến lượng cung sữa bị ngưng trệ thì thư giãn sẽ giúp các mẹ lấy lại trạng thái trước đó
  • Cố gắng ăn nhiều thức ăn được cho là làm tăng nguồn sữa như hạt cỏ cà ri (methi dana). Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên nói chuyện với bác sĩ trước khi thử chúng
  • Ăn uống đảm bảo sức khỏe và cân bằng các bữa ăn có thể giúp tăng cường nguồn cung sữa mẹ. Hãy tìm hiểu thêm về những thực phẩm và đồ uống truyền thống cho bà đẻ để bổ sung sữa mẹ

34. Tư thế cho con bú

Tư thế nằm nghiêng

Trước hết chúng ta cần biết không có một tư thế chuẩn ép buộc nào khi cho bé bú.

Trong những ngày đầu tiên, khi mẹ vẫn còn đang học cách cho con bú, mẹ có thể thấy dễ dàng hơn khi dùng cùng một tay đối với cả hai bầu vú.

35. Cách cho con ngậm núm vú

Bắt đầu bằng cách đặt núm vú của bạn ở giữa môi trên và mũi của bé (cao hơn so với trong hình), sau đó khuyến khích trẻ tự ngậm vú bằng cách chạm đầu vú của bạn vào môi trên của bé. Cách khác đó là hãy chạm đầu vú của bạn vào má bé, bé sẽ quay về phía ti mẹ với miệng mở rộng.

36. Làm sao biết bé sơ sinh đã bú đủ no?

Viện Nhi Khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến nghị cho con bú 10 – 15 phút mỗi bên, 8-12 lần mỗi ngày. Nhưng cho bú không phải là một khoa học chính xác, và thật không may, nhiều mẹ đã mắc sai lầm và nhìn vào những hướng dẫn này như thể đó là luật cứng nhắc.

Nhiều trẻ khỏe mạnh sẽ không bú mẹ giống y hướng dẫn của APP. Những biến số, đặc biệt về cường độ bú của một em bé và phản xạ giúp tiết ra sữa của mẹ có thể ảnh hưởng đến lượng sữa bé bú được mỗi lẫn. Ví dụ, trong 7 phút con gái của bạn đã bú được nhiều hơn đứa trẻ khác bú trong 20 phút.

Bác sĩ Dietz nói rằng một cách tốt hơn để biết liệu bé của bạn đã bú đủ hay chưa đó là dựa vào số lần bé đi tiểu và sự hài lòng của bé.

Nếu bé bú đủ mỗi ngày bé sẽ tè ướt 6 – 8 miếng tã lót và đi ị 3 – 4 lần một ngày, theo Carol Huotari – chuyên gia tư vấn về việc cho con bú đã được cấp giấy chứng nhận.

37. Tôi có cho con bú đúng cách?

Tăng cân có thể là yếu tố quan trọng nhất để quyết định liệu con bạn đã bú đúng cách. Giảm cân sau sinh trong một số trường hợp là bình thường, nhưng trong vài ngày đầu tiên một em bé không nên giảm quá 10% cân nặng cơ thể (khoảng 0.37 kg đối với một trẻ sơ sinh nặng 3.6 kg).

Một đứa trẻ bú sữa mẹ ban đầu có thể giảm cân nhiều hơn trẻ bú bình bởi vì sữa mẹ chưa được hấp thụ hoặc cả mẹ và bé vẫn đang học cách để bú và cho bútheo Thạc sĩ Marianne Neifertbiên tập viên của Babytalk và tác giả của Dr. Mom’s Guide to Breastfeeding. Giảm cân ở trẻ bú bình đáng lo ngại hơn trẻ bú mẹ vì đó không còn là vấn đề về nguồn cung cấp sữa.

Những dấu hiệu cảnh báo trẻ sơ sinh (bú mẹ hoặc bú bình) chưa bú đủ:

Bé bú ít hơn 10 phút mỗi lần bú, làm ướt ít hơn 4 miếng tã lót mỗi ngày, sau tuần đầu da vẫn còn nhăn, hoặc mặt bé không tròn sau 3 tuần.

Những bé nôn hầu như thường xuyên hoặc sau tất cả các bữa ăn hoặc đi ỉa phân lỏng tám lần hoặc hơn mỗi ngày báo hiệu có thể bé bị dị ứng hoặc gặp vấn đề về tiêu hóa.

38. Mẹ bị cảm cúm – có nên tiếp tục cho con bú?

Mẹ nào bị cảm cúm vẫn có thể và nên tiếp tục cho con bú sữa mẹ – theo gợi ý của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (U.S Centers for Disease Control and Prevention – CDC)

CDC cho hay, trên thực tế, một trong những việc tốt nhất mà chúng ta có thể làm để bảo vệ con yêu là cho con bú sữa mẹ.

Lý do là vì sữa mẹ có chứa các kháng thể – chính là những protein đặc biệt giúp chống lại các loại virus và vi khuẩn.

Trong khi hệ miễn dịch của con vẫn đang trong giai đoạn phát triển và dần hoàn thiện, con cần những dưỡng chất cần thiết có trong sữa mẹ để hình thành nên những loại kháng thể này.

39. Trẻ sơ sinh bú mẹ kèm thêm sữa công thức có tốt không?

Bác sĩ Lê Thị Thu Hà trả lời:

Trong những tháng đầu sau sinh người mẹ nên cho con bú sữa mẹ hoàn toàn (không cho uống nước hoặc uống sữa ngoài). Vì trong sữa mẹ có nhiều thành phần dinh dưỡng với tỷ lệ phù hợp hệ tiêu hóa của trẻ, bên cạnh đó còn có kháng thể giúp trẻ chống lại những bệnh nhiễm trùng, có hàm lượng vitamin A giúp mắt trẻ tốt hơn.

Bé được bú sữa mẹ cũng ít bị táo bón, tăng cân nhanh, phát triển tốt về trí não và cảm xúc, người mẹ đỡ tốn kém tiền mua sữa ngoài… Ngoài ra, cho bú mẹ hoàn toàn còn là một biện pháp ngừa thai tự nhiên. Do vậy nếu có thể được bạn nên cho con bú hoàn toàn sữa mẹ trong những tháng đầu sau sinh.

40. Trẻ biếng bú

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 2, có nhiều nguyên nhân khiến bé lười bú:

Có thể do chế độ ăn của mẹ chứa nhiều chất nồng làm thay đổi mùi vị sữa, chẳng hạn như quá nhiều gia vị hoặc cách cho bú mẹ không đúng. Cũng có thể do trẻ khó chịu trong người, do trẻ bệnh, còi xương… Cần xác định rõ nguyên nhân để có hướng xử trí thích hợp. Trong nhiều trường hợp, cần đưa trẻ đi khám bệnh để bác sĩ nhi có thể tìm hiểu, chẩn đoán rõ nguyên nhân biếng bú và đưa ra lời khuyên đúng đắn.

 

Theo Utemshop

Loading...
Tags:
Leave a Comment