Đã có trường hợp mẹ bầu sinh mổ nhập viện trong tình trạng chạy máu ồ ạt, tính mạng rất nguy kịch, bác sĩ tưởng đâu là cứu không được. Nguyên nhân chỉ rất đơn giản đó là do nhà làm nông, đẻ con mới được vài tuần mà đã làm việc nặng, mang vác nặng vì nghĩ là vết thương đã lành. Một ngày kia bỗng chị bị chảy máu chỗ vết mổ thai rồi choáng và ngất do mất máu quá nhiều, gia đình mới đưa ngay đi bệnh viện.
Khi vừa vào viện, chị được truyền máu ngay, chị được hội chẩn quyết định phẫu thuật lấy máu tụ trên vết mổ cũ và cầm máu. Việc này không hề dễ dàng bởi các lớp cơ tại vết mổ cũ đã bị tổn thương nhiều, nếu không cẩn thận có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Sau khi lấy sạch máu tụ, bác sĩ mới bắt đầu thực hiện các bước cầm máu, thám sát kỹ ổ bụng và đặt dụng cụ dẫn lưu cho chị.
May mắn là ca phẫu thuật kết thúc thành công, chị đã qua cơn nguy kịch và được chuyển đến phòng hậu phẫu để theo dõi. Ngày mình xuất viện thì nghe bảo chị đã tỉnh, sức khỏe ổn định, kết quả siêu âm cho thấy máu đã cầm hoàn toàn, không còn máu tụ tại vết mổ.
Chuyện đẻ mổ là bình thường các mẹ ạ, vì có những trường hợp bất thường thai kỳ, được bác sĩ chỉ định đẻ mổ thì các mẹ bắt buộc phải mổ thôi, không có gì phải lo sợ nhé, chủ yếu là các mẹ phải biết chăm sóc vết mổ sau sinh đúng cách.
Hình ảnh minh họa
Sinh mổ là sinh em bé qua một đường rạch phẫu thuật ở bụng và tử cung của người mẹ. Sinh mổ là một phẫu thuật ổ bụng lớn, vì vậy nó có nhiều nguy cơ hơn sinh thường. Các mẹ sinh mổ có nguy cơ bị nhiễm trùng, chảy máu nhiều, đông máu, đau sau sinh nhiều hơn, thời gian ở lại bệnh viện lâu hơn, và chậm hồi phục hơn đáng kể.
Trước đây thì đa phần khi mổ đẻ bác sĩ sẽ rạch dọc theo đường giữa bụng của mẹ để lấy thai ra, và họ sẽ khâu bằng chỉ không tiêu rồi sau đó 5 – 7 ngày thì cắt chỉ. Nhưng ngày nay vì lý do thẩm mỹ, nên đa số các viện khi mổ đẻ họ sẽ rạch một đường ngang trên mu, và khâu xếp mép bằng chỉ tiêu. Vì thế nên sau khi mổ vết mổ sẽ có sẹo rất đẹp, và nó sẽ lẫn vào nếp bụng nên khó có thể nhìn thấy, và người phụ nữ có thể mặc đồ tắm mà không sợ lộ vết sẹo mổ. Phương pháp mổ ngang này nhanh lành hơn và mẹ không phải lo lắng vì sẽ bị đau đớn cho lần cắt chỉ nữa.
Các mẹ đừng bao giờ xem thường vết mổ đẻ. Không giống như sinh thường, sinh mổ là một ca phẫu thuật lớn và đòi hỏi mẹ phải rất cẩn trọng trong việc chăm sóc vết mổ, để tránh nguy cơ nhiễm trùng vô cùng nguy hiểm.
Đây là những lời khuyên hữu ích cho mẹ để giúp vết mổ chóng lành:
– Mẹ nên cố gắng ngồi dậy (dù thấy đau) và vận động nhẹ nhàng sau 24 kể từ ca sinh mổ. Nếu nằm quá lâu trên giường sản dịch sẽ bị ứ lại trong lòng tử cung dễ gây sốt, nhiễm trùng hậu phẫu… Vận động sớm cũng giúp tăng cường nhu động ruột tránh nguy cơ dính ruột về sau.
– Hạn chế cười lớn vì những động tác này có thể khiến mẹ cảm thấy vết mổ rất đau. Sử dụng gối mềm nhỏ hoặc dùng chăn đệm ở sau lưng sao cho thân người tạo với giường một góc 20-30 độ, tư thế này sẽ giúp mẹ giảm va chạm đến vết mổ và giảm đau khi dịch chuyển cơ thể, giúp mẹ cảm thấy dễ chịu hơn.
– Để vết mổ được lành tốt, không nên sử dụng bất kỳ thuốc gì bôi lên vết mổ khi chưa được bác sĩ cho phép. Giữ khu vực vết mổ càng sạch càng tốt, không tháo bỏ hết băng gạc nhưng cũng đừng băng quá chặt vết mổ, vì tất cả những điều này có thể gây viêm nhiễm hoặc làm tăng tổn thương. Nhớ thay băng theo lịch của bác sĩ và nhớ giữ tay thật sạch trước khi tiến hành thay băng gạc.
– Mặc quần áo rộng rãi để giảm nguy cơ nhiễm trùng, ngăn ngừa việc cọ xát, kích thích đến vết mổ.
– Có thể dùng túi nước đá để chườm vùng đáy chậu bị sưng sẽ giúp giảm sưng tấy. Bên cạnh đó, chườm ấm cũng là cách cực tốt để áp dụng cho vết rạch bụng. Nhiệt độ cao sẽ làm tăng tuần hoàn máu đến chỗ rạch, giúp vết rạch nhanh lành hơn. Nếu không có túi chườm, mẹ có thể sử dụng khăn ấm để thay thế cũng mang đến tác dụng tương tự.
– Trong ngày đầu sau sinh, chỉ nên uống nước lọc, nước đường, ăn cháo loãng, cho tới khi mẹ bắt đầu “xì hơi” được mới bắt đầu ăn phở, mì… Từ ngày thứ hai trở đi, có thể ăn uống như bình thường. Nên có chế độ ăn uống cân bằng với nhiều ngũ cốc nguyên hạt, rau lá xanh, trái cây, sữa, protein… sẽ giúp vết mổ và cơ thể nhanh phục hồi, tránh táo bón. Tránh ăn những thức ăn tanh như cá, ốc bởi chúng sẽ ức chế sự ngưng tụ của máu, không có lợi cho việc đông máu sau khi mổ, khiến vết thương lâu không lành.
– Những ngày sau mổ, mẹ cần ăn đa dạng các loại thực phẩm như: thịt heo, thịt bò, thịt gà, cá, trứng… Đây là những thực phẩm giàu đạm và sắt, giúp mau lành vết mổ và phòng chống thiếu máu, thiếu sắt. Ngoài ra nên bổ sung thêm viên sắt và các loại thuốc bổ đa sinh tố nếu cơ địa của mẹ gầy yếu.
– Hạn chế ăn uống những chất kích thích như hành, tỏi, ớt, cà phê… Nếu mắc các bệnh như tim mạch, tiểu đường, bệnh lý gan thận thì chế độ ăn phải được cân đối bởi các bác sĩ chuyên khoa.
– Khi sinh mổ tùy theo được mổ tê hay mê mà sản phụ sẽ được hướng dẫn ăn uống sau mổ khác nhau. Nếu sinh mổ có gây tê thì sẽ được cho ăn uống sớm. Nếu sinh mổ có gây mê thì chỉ ăn uống lại sau khi đã tỉnh hoàn toàn, không còn cảm giác buồn nôn. Lúc đầu có thể ăn cháo loãng, sau đó từ từ chuyển sang ăn cơm từ khoảng 6-8 giờ sau mổ.
– Sau khi sinh mổ, mẹ cần hết sức phòng tránh cảm cúm, hạn chế tối đa khi tiếp xúc với những người xung quanh đang bị cảm. Vì nếu bị cảm cúm trong lúc này, sức đề kháng của cơ thể giảm, vết thương do mổ đẻ vì thế lâu lành và dễ bị nhiễm trùng.
– Khi đã xuất viện về nhà nếu vết mổ sưng hoặc tấy đỏ có dịch hoặc máu chảy ra từ vết mổ hoặc bị sốt, sản dịch hôi… mẹ nên tái khám ngay với bác sĩ chuyên khoa để được điều trị kịp thời.
Chúc mẹ và bé cưng luôn khỏe mạnh !
-Sưu Tầm/Tổng Hợp-
Nguồn : http://www.webtretho.com/forum/f13/me-de-con-vai-tuan-bi-chay-mau-o-at-suyt-chet-vi-mot-nguyen-nhan-het-suc-binh-thuong-2253709/
Leave a Comment
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.