Chị Hoa (các nhân vật trong bài đã được thay đổi tên nhằm mục đích bảo vệ người chia sẻ câu chuyện này) là mẹ của ba đứa con. Đứa con thứ ba của chị là một cậu con trai 7 tuổi. Để có được đứa con này không hề là nhiệm vụ dễ dàng dành cho chị. Có được niềm tự hào hôm nay trước mặt những người thân trong gia đình, “mẹ của đứa con trai” này đã phải trả giá bằng cả mạng sống của hai đứa con gái chưa kịp chào đời.
Chị Hoa kể chuyện mình trong nước mắt “Đó là một cặp bé gái song sinh. Dù trong trí tưởng tượng của tôi các con rất dễ thương… Nhưng biết làm sao đây, tôi hoàn toàn bất lực. Tôi đã có hai đứa con gái rồi. Mẹ chồng tôi và cả gia đình chồng đều tức giận khi biết tôi có ý định giữ lại cặp song sinh này. Họ chửi tôi rằng “Tại sao con trai tao lại phải sống với mày khi mày chẳng sinh được đứa con trai cho nó, một đứa mang họ nhà này để có thể nối dõi tông đường và làm cho bố nó hãnh diện với mọi người?”. Thậm chí, khi biết tin tôi mang thai cặp bé gái, chồng tôi đã buộc phải lựa chọn: Hoặc là để hai đứa trẻ này ra đời và chúng tôi phải ly hôn hoặc là phải bỏ cái thai đi và cùng nhau cố gắng có được đứa con trai.
( Hình ảnh minh họa – Nguồn : Intertnet )
Trong cùng cực của cơn dằn vặt, cuối cùng tôi cũng đành phải chọn lựa cách thứ hai vì tôi cũng muốn được sống ngẩng cao đầu với mọi người trong danh nghĩa là “bà mẹ có con trai”. Lúc ấy trong đầu tôi không suy nghĩ được gì hơn. Suốt những năm qua tôi đã phải sống với danh nghĩa “mẹ mẹt” và tôi thực sự nhục nhã bởi những lời thóa mạ của người đời. Rồi thì tôi cũng có con trai như ý nguyện của chồng và gia đình chồng nhưng bao năm qua, tội lỗi của tôi với hai đứa con gái chưa được chào đời vẫn không thể khiến tôi nguôi ngoai nỗi nhớ…”
Những đứa trẻ “ngoài ý muốn”…
Chị Thu, một người mẹ của hai cô con gái, 36 tuổi cũng đã từng phá thai ba lần vì biết được giới tính của đứa trẻ, trong đó có một cái thai chị phải bỏ lúc thai nhi đã 6 tháng tuổi.
Chị chia sẻ “Ba lần mang thai trước của tôi đều là con gái. Trong khi đó, đối với tôi và chồng tôi việc có được một đứa con trai lại cực kỳ quan trọng. Tất nhiên, tôi đã vô cùng đau khổ sau mỗi lần phá thai, cảm giác như mình là một kẻ giết người không hơn. Nhưng mong muốn có một đứa con trai thực sự rất mạnh mẽ. Chúng tôi cho rằng con gái lớn, lấy chồng rồi cũng theo người ta. Chỉ có con trai là ở lại với bố mẹ”.
Thật vậy, trong hầu hết trường hợp chọn lựa giới tính, phụ nữ không chỉ là người duy nhất chịu trách nhiệm về số phận của đứa con mình đang mang. Một khi mang thai, áp lực từ gia đình và người chồng bắt đầu đè nặng lên lên vai người phụ nữ. Nhiều phụ nữ chỉ đơn giản thực hiện quyết định “bỏ và chọn” như một mệnh lệnh từ các thành viên khác trong gia đình và từ chính người chồng của mình. Đôi khi, ngày họ biết giới tính của đứa con đang mang trong bụng cũng chính là ngày tử của đứa trẻ.
( Hình ảnh minh họa – Nguồn Internet )
Hiện nay, mặc dù chuyện siêu âm phát hiện giới tính thai đã được kiểm soát bằng lệnh cấm tại các bệnh viện nhưng nhiều người vẫn cố tìm cách siêu âm giới tính lén lút để biết được đó là con trai hay con gái. Nếu là con trai, họ sẽ giữ lại và nếu là con gái, họ sẽ bỏ đi. Chị Hương kể “Từ tuần thứ 12, tôi đã đi khám thai 6 lần nhưng các bác sĩ không tiết lộ cho biết giới tính con là gì. Khi thì họ nói bé kẹp chân lại không thấy hoặc đơn giản họ chỉ chỉ lên một tấm bảng trong phòng siêu âm ghi “Bệnh nhân vui lòng không hỏi giới tính thai”. Thế nhưng, khi đi khám tư, bác sĩ sẵn sàng nói cho tôi biết và ngay lúc đó tôi buộc phải trả lời câu hỏi “Nên hay không nên giữ cái thai này?”. Khi đã biết đó là con gái, chúng tôi quyết định sẽ bỏ thai”. Chị Hương nói đến đây thì cố nhìn ra nơi khác, giấu đi ánh mắt mang mặc cảm đầy tội lỗi của mình.
Chị cũng tiết lộ thêm rằng mẹ chồng chị luôn tỏ ra khó chịu về việc chị sinh con gái. Trước đó, chị đã sinh ra 3 cô con gái và bà ra lệnh cho chị đứa tiếp theo phải là con trai. Nhưng khi không được như ý, bà thậm chí còn cho tôi tiền để đi phá thai và cho rằng thêm một đứa con gái nữa chỉ thêm thừa thãi, tốn cơm chứ chẳng ích gì.
Rất nhiều điều như vậy đã và đang diễn ra trong xã hội và người phụ nữ hoàn toàn bất lực khi lên tiếng bảo vệ cho đứa con mình đang mang.
Mất cân bằng giới tính
Tỷ số giới tính khi sinh của cả nước ta hiện cán mốc 114,3 bé trai trên 100 bé gái. Trong tương lai, nếu không xử lý vấn đề này từ năm 2025 trở đi hậu quả của việc thừa nam, thiếu nữ sẽ rất nghiêm trọng.
Chính vì sự can thiệp nhân tạo và lựa chọn giới tính đã làm mất cân bằng giữa hai giới và dẫn đến những hệ lụy xã hội khôn lường. Nhưng nguyên nhân sâu xa của vấn nạn này là gì?
Xét về mặt xã hội, rõ ràng đây không phải là vấn đề phân biệt giới tính mà chỉ là một quan niệm cố hữu, cổ hủ.
Tại sao một, hai hoặc ba đứa con gái trong gia đình được coi là một vấn đề lớn, thậm chí là một nỗi hổ thẹn. Trong khi gia đình càng nhiều con trai lại càng có được sự ngưỡng mộ và ghen tị từ những người hàng xóm và người thân? Tại sao một gia đình không có con trai sẽ bị hạ thấp phẩm giá, bị xúc phạm và coi khinh khi sự có mặt của những bé gái lại không hề gây ra muộn phiền hay rắc rối nào cả? Đó là những câu hỏi lớn cần phải đặt ra cho tất cả mọi người.
Đối với một vài vùng miền, một đứa con trai được coi là tương lai, là kho lúa của bố mẹ và gia đình. Ngoài ra, trong chế độ phụ hệ, con trai còn chính là người nối dõng tông đường. Chưa kể, con trai sau khi kết hôn còn ở với bố mẹ còn con gái thì phải theo chồng. Chính sức mạnh cố hữu của những “quan niệm chết” mới thực sự là nguyên nhân sâu xa làm số lượng bé trai tăng cao dù xã hội đã ra sức kêu gọi sự bình đẳng giới tính.
Thiếu cân bằng giới tính dẫn đến hậu quả to lớn ra sao?
Rõ ràng, việc thiếu cân giới tính có thể dẫn đến sự gia tăng các hoạt động tội phạm trong nước, bao gồm cả nạn lạm dụng tình dục, xâm hại tình dục… Chính vì vậy, sự thay đổi chỉ có thể đến từ trái tim của các bà mẹ:
Cũng trong hoàn cảnh tương tự như các mẹ ở trên nhưng chị Tuyết đã kịp dừng lại để quyết định giữ đứa con mình đang mang: “Tôi đã dừng lại ở giây phút cuối cùng. Tôi hiểu rằng đứa con mình đang mang sẽ đem đến sức mạnh để tôi chống đối lại tất cả. Ngay từ đầu, nó đã muốn giấu giới tính của mình, không dang chân cho bác sĩ siêu âm. Con bé thậm chí còn thông minh hơn cả tôi thì việc gì tôi phải bỏ chứ!”.
Chồng chị, cha của hai cô con gái cũng đồng ý với quyết định của vợ. Theo chị, chồng chị cũng rất hạnh phúc với quyết định của vợ. Anh ấy là người duy nhất trong gia đình cho rằng gái, trai không quan trọng. Quan trọng nhất là con sinh ra khỏe mạnh.
Chị Tuyết thực sự hạnh phúc khi được sinh đứa con gái thứ ba. Và chị chắc chắn rằng chỉ có bố mẹ mới thực sự là người quyết định sau cùng đến vận mệnh của con mình chứ không phải mẹ chồng hay người thân hay xã hội. Sau cùng, thay cho lời kết xin dẫn nguyên lời của chị “Các mẹ có thể dùng tiền để lách luật, phá thai và có hàng ngàn cách để bỏ thai. Nhưng nếu lương tâm và trái tim của một người mẹ không cho phép thì đó chính là điều luật có sức thực thi mạnh mẽ nhất”.
-Sưu Tầm/Tổng Hợp-
Nguồn : http://www.webtretho.com/forum/f13/so-phan-cua-nhung-nguoi-dan-ba-khong-biet-de-con-trai-va-den-luot-toi-2312629/
Leave a Comment
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.