Giúp mẹ bầu chuẩn bị đồ đi sinh chuẩn không cần chỉnh

Khi đi viện, có nhiều mẹ bầu mang theo những túi đồ trông rất nặng nề, lỉnh kỉnh và đôi khi còn có cả những thứ không cần thiết, tuy nhiên vật dụng cần dùng đến thì lại vẫn thiếu. Cùng Bầu Bụng Bự chuẩn bị đồ đi sinh thật cẩn thận để đến ngày chuyển dạ là có thể sẵn sàng đi ngay mà không cần mất thêm công sức nữa nhé !

Việc chuẩn bị đồ đi sinh vô cùng quan trọng, nó nên được hoàn thiện khi thai nhi 8 tháng tuổi, bởi đây là thời điểm các mẹ có thể chuyển dạ bất cứ lúc nào.

Các mẹ chỉ nên mang theo càng ít đồ càng tốt, nhưng vẫn phải đảm bảo đầy đủ nhé.

Một số bệnh viện cao cấp có thể hỗ trợ mẹ rất nhiều thứ, mẹ nên hỏi trước các nhân viên trong viện để không phải mua và mang thừa.

Giỏ đựng đổ, mẹ có thể chọn làn như trên hình trên, còn nếu nhà có giỏ du lịch thì mẹ nên chọn giỏ cứng có thể đứng được và miệng kéo hoặc nắp cần rộng để khi lấy đồ không phải tìm, lục lọi vất vả. Nguyên tắc xếp đồ là đồ hay dùng mẹ sẽ để lên trên còn đồ ít dùng sẽ để xuống dưới. Để tiện hơn nữa mẹ có thể tách làm 2 giỏ chính, một giỏ của bé, còn một giỏ của mẹ.

1. Các loại giấy tờ cần thiết

  • Tất cả các loại hồ sơ: Sổ khám thai, kết quả xét nghiệm, siêu âm, X quang, ECG (nếu có)… kể từ ngày bắt đầu đi khám thai để bác sĩ có thể xem lại lịch sử phát triển của thai nhi. Những giấy tờ từ thời ban đầu sẽ giúp bác sĩ đánh giá đúng hơn tuổi cũng như các tình trạng khác của thai, bệnh lý của mẹ.
  • Các loại giấy tờ tùy thân: Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tuỳ thân có ảnh, hộ khẩu gốc, bảo hiểm y tế có ảnh (nếu có), giấy chuyển viện BHYT (nếu có). Nên photo sẵn 3 bản, không cần công chứng, tuy nhiên, khi đi sinh nhớ mang theo bản gốc. Các mẹ nên để sẵn các loại giấy tờ này ở nơi dễ lấy, để người nhà có thể lấy hộ trong trường hợp có dấu hiệu sinh bất ngờ, không thể về nhà lấy kịp.
  • Tiền để đóng phí tạm ứng: Hiện nay, phí tạm ứng ở một số bệnh viện là từ 2 – 3 triệu đồng (có nơi ít hơn, có nơi nhiều hơn, nhưng mẹ cứ mang thừa cho chắc chắn, tuy vậy cũng đừng mang nhiều quá). Chỉ các trường hợp phải cấp cứu mới không yêu cầu đóng tạm ứng…Đây là số tiền ứng trước, khi ra viện mẹ mới cần đóng toàn bộ, khi ấy người nhà có thể mang giùm mẹ.

2. Chuẩn bị đồ chào đón con yêu

  • Áo sơ sinh (3 tay ngắn, 3 tay dài): Khi mới chào đời, em bé sẽ được mặc đồ của bệnh viện rồi sau đó sẽ mặc đồ người nhà mang đến. Các mẹ nên chọn áo làm bằng cotton mềm thấm hút mồ hôi. Áo nên chọn loại cài một bên giúp dễ dàng thay đổi. Nếu các mẹ sinh vào thời tiết lạnh thì nên chuẩn bị thêm áo gi-lê mặc ngoài cho bé.
  • Quần sơ sinh. Các bé hầu như không cần quần mà chủ yếu dùng tã, bỉm.
  • Bao tay, bao chân (5 – 10 đôi): Giúp giữ ấm cho bé, tránh cho bé không cào tay vào mặt. Nên mua loại có dây buộc, không nên mua loại có chun có thể gây hằn lên chân bé, mà cũng dễ bị hỏng hơn.
  • Tã lót (10 chiếc, kết hợp tã bỉm). Các mẹ cần chuẩn bị trước các loại tã sau: tã xô, tã bỉm và tã chéo. Nên chọn tã chéo to để quấn kín cả chân và đùi bé với số lượng 10 chiếc. Chuẩn bị 10 chiếc tã xô, dùng để đóng bỉm cho bé hoặc lau chùi, vệ sinh nhẹ nhàng. Các mẹ cũng có thể dùng tã bỉm, và sử dụng cùng với dạng quần đóng tã, rất tiện lợi. Đối với tã bỉm, chỉ nên mua 1 gói newborn 1 (em bé mau lớn nên không cần mua nhiều newborn 1). Ngoài ra loại của Huggies cũng khá tốt và vừa tiền.
  • Mũ cho trẻ sơ sinh, mũ thóp (3 cái): Các mẹ nên chọn loại có chất vải cotton, chất liệu mềm mại, thông thoáng.
  • Khăn lớn (2 cái): Các mẹ cần chuẩn bị khăn mềm cỡ lớn để quấn người, lau khô người cho bé sau khi tắm.
  • Khăn sữa (20 cái). Chuẩn bị khăn sữa mềm (dùng khi cho bú hoặc tắm rửa, vệ sinh cho bé) với số lượng 20 cái loại nhỏ và 5 cái loại to. Cần chú ý làn da bé rất mềm và nhạy cảm, vì vậy các mẹ nên chọn loại khăn mềm mại để không gây đau bé.
  • Bình sữa (1 cái, loại 120ml là đủ dùng), dụng cụ cọ bình sữa (phòng khi mẹ chưa thể cho bé bú trực tiếp).
  • Sữa thanh hoặc sữa hộp cho bé loại nhỏ. Không nên mua sữa hộp loại to vì có thể về sau bé sẽ bú mẹ hoàn toàn.
  • Lót bông chống thấm (5 cái). Các mẹ nên chuẩn bị miếng lót mông cho bé khi nằm (loại có 1 mặt là cotton hoặc vải xô, mặt còn lại là lớp nilon chống thấm, có hình vuông hoặc hình chữ nhật. Đối với miếng lót này, nên chuẩn bị 5 tấm lót vuông loại nhỏ và 2 tấm chữ nhật loại to.
  • Nước muối sinh lý. Dùng để vệ sinh cho bé. Cái này ở viện rất dễ mua, mẹ có thể không cần mang cũng được.
  • Chậu nhựa nhỏ (2 cái màu khác nhau). Dùng để vệ sinh cho bé, một cái dùng để vệ sinh mặt mũi, một cái để rửa mông cho bé sau khi bé ị. Hai chậu này mẹ cho vào túi nilong xách đi cho tiện.
  • Gạc, tưa lưỡi: Gạc dùng để vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh. Tưa lưỡi để vệ sinh miệng cho bé, cần chuẩn bị khoảng 10 hộp loại tưa lưỡi và 5 hộp gạc sạch, thay hàng ngày cho bé.
  • Chăn cho bé (1 cái). Mặc dù ở viện ấm áp nhưng mẹ vẫn nên đắp riêng chăn cho bé kẻo khi mẹ rời giường, bé có thể bị lạnh.

Riêng với Gối đầu, theo quan điểm mới, trẻ sơ sinh không cần dùng gối, chỉ cần lót một miếng vải mỏng dưới đầu bé là được. Sử dụng gối quá sớm cho trẻ sơ sinh có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của xương sống

3. Chuẩn bị đồ đi sinh cho mẹ

  • Quần áo: Các mẹ nên mang áo có nút và váy rời để dễ dàng mặc đồ. Khi sinh, các sản phụ phải mặc trang phục của bệnh viện nhưng sinh xong các mẹ sẽ được mặc đồ mà mình mang theo. Nếu các mẹ mang quần sẽ không tiện cho việc bác sĩ thăm khám, khi đó các mẹ sẽ phải mặc váy của bệnh viện. Và các mẹ hãy nhớ mang thêm 1 bộ quần áo dành để mặc khi xuất viện nhé! Lưu ý khi chọn là ưu tiên độ thoải mái, thoáng mát, rộng rãi còn đẹp thì bình thường thôi cũng được mẹ nhé.
  • Đồ vệ sinh cá nhân: Lược, bàn chải, kem đánh răng, nước súc miệng (mẹ có thể khó đánh răng khi mới sinh nếu sinh mổ – nước súc miệng là giải pháp thay thế tạm thời), khăn mặt, khăn tắm, sữa rửa mặt, sữa tắm, nước rửa vệ sinh, xà bông rửa tay…
  • Băng vệ sinh: Băng vệ sinh thường (3 chiếc) dùng khi chuyển dạ, bỉm cho mẹ (5 chiếc) dùng cho hai ngày đầu sau sinh, băng vệ sinh dày (1 gói) dùng cho hai ngày tiếp theo. Mẹ có thể mua BVS Diana MaMa.
  • Tất loại giày và mỏng, tuỳ theo thời tiết mà mẹ dùng loại nào. Ban đêm mẹ sẽ đỡ lạnh chân.
  • Quần lót tốt nhất là mẹ nên mang theo 1 – 2 gói quần lót giấy (tuỳ theo cân nặng của mẹ mà chọn size), sử dụng một lần.
  • Miếng lót thấm sữa (có thể không cần): Phòng khi các mẹ bị sữa chảy nhiều, rỉ sữa. Mẹ cũng có thể dùng khăn sữa của bé gập lại làm miếng lót thấm mà không cần mua loại chuyên dụng.
  • Ly, muỗng: Dùng để uống sữa hoặc pha sữa.
  • Nước lọc, sữa tươi: Hãy dự trữ sẵn 1-2 chai mang theo để bổ sung nước và năng lượng cho các mẹ nhanh, gọn, kịp thời (cũng cần phải nói thêm những đồ này tại viện cũng thường sẵn và mua dễ nên mẹ có thể không cần mang theo đễ đỡ lỉnh kỉnh).
  • Áo ngực cho con bú (có thể không cần): Áo ngực dành riêng cho con bú không cần thiết lắm khi ở viện, mẹ nên để ngực trần cho con bú được thoải mái, bé tiếp xúc da mẹ nhiều hơn.
  • Dụng cụ hút sữa (có thể không cần): Phòng khi các mẹ chưa thể cho con bú trực tiếp (tuy nhiên dụng cụ hút sữa tốt khá đắt, các mẹ nên cân nhắc, vì nếu bé của mẹ bú được luôn thì mua rồi lại phí). Nhiều mẹ vài ngày đầu sữa chưa về, nhưng về sau sữa lại về bình thường. Lời khuyên thực tế là không nên sắm vội.
  • Một số đồ khác (tuỳ chọn): Sau sinh nở, sản phụ thường bị mất nước, da sẽ trở nên khô ráp, môi nứt nẻ. Vì vậy, các mẹ hãy mang theo bên mình 1 thỏi son dưỡng môi, 1 lọ dưỡng ẩm da dạng nhỏ để “cứu cánh” cho làn da của mình nhé (mẹ nên dùng sản phẩm có nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên). Mẹ cũng có thể mang thêm mặt nạ mắt, nút tai bởi nếu các mẹ dễ bị tỉnh giấc bởi tiếng động, vật dụng này sẽ giúp mẹ có giấc ngủ ngon ở nơi ồn ào, đông người như bệnh viện.
  • Ngoài ra túi nilon để đựng đồ dơ bẩn, giấy toilet cuộn cũng đều là những vật dụng không thể thiếu được đâu các mẹ nhé!

Lưu ý nếu mẹ sinh con vào gần dịp tết: Khi ấy mẹ cần chuẩn bị đồ kỹ lưỡng hơn vì có thể nhiều cửa hàng chưa mở để phục vụ. Ngoài ra cần chuẩn bị cả tiền lẻ để việc mua bán dễ hơn.

Mẹ sinh mổ rất khó di chuyển và dễ bị đau ngay cả với các hoạt động thông thường, mẹ đẻ thường nhưng đẻ khó hoặc phải cắt tầng sinh môn cũng dễ đau đớn. Vì vậy với mẹ mới sinh cần được gia đình chăm sóc cẩn thận, nhất là những ngày đầu tiên.

Bà ngoại, chị em gái ruột, chồng là những người nên được ưu tiên chăm sóc trực tiếp bà bầu vì quá trình chăm sóc rất riêng tư. Dĩ nhiên nếu bà nội và con dâu thoải mái thì cũng rất tốt, như vậy bà nội và bà ngoại có thể thay phiên nhau chăm sóc.

4. Những vật dụng không cần thiết

Mang đồ thừa sẽ phiền cho mẹ và người thân, vừa nặng, lại không dùng đến. Mang đồ quý thì còn phải canh vì viện đông đúc có thể bị trộm hoặc nhầm đồ. Mẹ lưu ý không mang theo các đồ sau:

  • Trang sức: Việc đeo đồ trang sức trong quá trình đau đẻ, rặn đẻ có thể gây thương tích ngoài da cho sản phụ. Do vậy trước khi nhập viện các mẹ nên gỡ bỏ hết những đồ trang sức trên người bởi vì chúng sẽ rất vướng víu và thật sự không cần thiết trong hoàn cảnh này một chút nào! Lời khuyên thực tế là bạn nên bỏ hết đồ trang sức quý giá cất vào hộp cẩn thận ngay từ tháng thứ 8.
  • Áo choàng, chăn lớn: chúng chiếm khá nhiều diện tích trong khi đó các phòng trong bệnh viện phụ sản thường có không gian khá chật hẹp. Do vậy một quy tắc quan trọng dành cho các mẹ trong môi trường bệnh viện đó là: gọn gàng, ngăn nắp, càng ít đồ càng tốt.

  • Các phương tiện giải trí: Một số bà bầu có thể nghĩ rằng, sau khi sinh bé xong, họ sẽ có rất nhiều thời gian để thư giãn, giải trí như chơi game, xem video, đọc sách. Tuy nhiên, trên thực tế, bạn có rất ít thời gian để làm những việc đó bởi vì hầu hết các bệnh viện phục vụ nhu cầu xem tivi cho các sản phụ. Thêm nữa việc chăm sóc bé cũng chiếm rất nhiều thời gian, nên mẹ đừng mang theo thiết bị giải trí – chỉ thêm nặng túi đồ thôi.
  • Kim băng: Tuyệt đối không sử dụng kim băng để cài, bởi nếu các mẹ sơ suất sẽ rất nguy hiểm cho bé. Các mẹ nên thay thế kim băng bằng các miếng dán sẽ an toàn hơn rất nhiều đấy.
  • Báo cũ: Có nhiều sản phụ có thói quen mang theo báo cũ để lót, tuy nhiên thực tế báo cũ rất mất vệ sinh, chứa nhiều vi trùng cũng như có chì trong mực in, có thể gây nhiễm trùng da cho bé hay nhiễm trùng hậu sản cho mẹ.
  • Nước cam thảo: Theo thói quen dân gian, nhiều bà nội, bà ngoại vẫn hay pha nước cam thảo cho trẻ uống, như thế rất nguy hiểm, bởi có thể khiến bé bị suy hô hấp.

Ngoài những vật dụng kể trên, còn có rất nhiều thứ cũng nằm trong danh sách cần phải “để ở nhà” mà một số phụ nữ lại cho rằng đó là những vật “bất ly thân” của họ như miếng đệm ngực, đồ trang điểm, thức ăn nhẹ…

5. Một số đồ dùng dành cho người thân đến chăm sóc

Cái này người nhà tự lo, mẹ có thể nhắc để phòng xa thôi.

  • 1-2 bộ quần áo để thay đổi.
  • Đồ dùng cá nhân: bàn chải, kem đánh răng, khăn mặt…
  • Dép đi trong nhà.
  • Thức ăn nhẹ phòng khi đói bụng giữa đêm khi chăm sóc hai mẹ con.
  • Máy ảnh, máy quay, điện thoại di động… để lưu lại những khoảnh khắc quý giá khi đón bé yêu chào đời.

 

Theo Utemshop

Loading...
Tags:
Leave a Comment