Tổng hợp các vấn đề mẹ nào cũng thắc mắc sau khi sinh ( Phần 1 )

Sau sinh có hàng ngàn vấn đề mẹ nào cũng thắc mắc, đặc biệt là giữa một số quan niệm kiêng cữ giữ truyền thống và hiện đại. Vậy cùng Bầu Bụng Bự giải đáp thắc mắc của các mẹ nhé !


1. Đầu tiên là vấn đề kiêng tắm, gội sau sinh

Trong bài trả lời phỏng vấn báo VOV, PGS.TS. Phạm Bá Nha, Trưởng khoa Sản (Bệnh viện Bạch Mai) khuyên:

pham-ba-nha

” Theo tôi, sản phụ không nên kiêng tắm và gội đầu trong tháng đầu. Nếu sản phụ không tắm sẽ cảm thấy rất bức bối, khó chịu. Sản dịch ra, mồ hôi, sữa, tế bào bong nếu không vệ sinh, lau rửa sẽ dẫn đến nhiễm trùng cho cả mẹ và em bé. Ngay từ những ngày đầu sau khi sinh cần phải tắm gội.

Ngoài ra, nên có người giúp họ lấy đồ, lau người cho nhanh và đỡ mệt. Khi gội đầu nên dùng đầu ngón tay (không phải móng tay) xoa nhẹ da đầu để làm sạch các tế bào chết và thoáng lỗ chân lông. “

Tuy nhiên các mẹ lưu ý thời điểm tắm gội khác nhau giữa mẹ sinh thường và đẻ mổ. Mẹ sinh thường khoẻ mạnh, 24h sau có thể tắm gội (một số bác sĩ khuyên khoảng 3 – 4 ngày sau sinh), với mẹ đẻ mổ cần khoảng một tuần. Cả hai trường hợp nên hỏi trước ý kiến của bác sĩ.

2. Nên tắm, gội như thế nào?

Theo bác sĩ Anh Nguyễn chia sẻ. Các bà mẹ sinh thường khỏe mạnh sau sinh có thể tắm bình thường để hạn chế viêm nhiễm đường sinh dục do tăng tiết sản dịch. Tuy nhiên lưu ý 1 số điều sau:

  • Tắm bằng nước ấm, có thể dùng sữa tắm
  • Thời gian tắm không quá 10 phút
  • Phòng tắm nên kín gió
  • Có thể gội đầu: nhưng cần gội nhanh và làm khô tóc nhanh
  • Tắm xong nên mặc đồ dài, mang vớ chân và không mặc áo ngực

Lưu ý nên thực hiện các lưu ý trên ít nhất là 3 tuần sau sinh.

Các bạn sinh thường có vết may ở âm đạo và tầng sinh môi: nên tắm bằng nước ấm, tốt nhất dùng vòi nước chảy dạng tia (không dùng gáo/ca múc nước). Ngoài các lưu ý trên, không nên dùng sữa tắm. Nên dùng nước muối (1 lít nước pha 4 muỗng cafe muối) hoặc dung dịch rửa (do chuyên gia sức khỏe kê) để vệ sinh vùng vết may.

Các bạn sinh mổ: nên đợi 6-7 ngày, và chờ ý kiến của chuyên gia sức khỏe. Có thể dùng khăn thấm ướt và lau người ở các hóc và 1 khăn khô lau lại.

3. Sau sinh có được đánh răng không?

Ngay sau khi sinh, mẹ đã có thể rửa mặt, súc miệng, chải răng mỗi ngày. Mẹ nên dùng nước ấm, chọn bàn chải mềm, tránh chảy máu răng, có thể dùng chỉ tơ nha khoa.

Việc dùng nước lạnh, bàn chải cứng hay xỉa răng sẽ gây chảy máu và ê buốt vì thời điểm này lợi vẫn còn nhạy cảm.

4. Có nên nằm than sau sinh không?

Bác sĩ Trương Thìn, nguyên Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM trong bài trả lời phỏng vấn với báo Pháp Luật TP.HCM, cho rằng:

” Ngày xưa, ở các vùng có thời tiết lạnh như miền Trung và miền Bắc, phụ nữ thường có thói quen dùng than để sưởi ấm sau khi sinh. Phụ nữ mới sinh thường có thân nhiệt thấp, cần được sưởi ấm để khí huyết lưu thông dễ dàng. Tuy nhiên, việc bắt sản phụ “nằm than” bằng cách dùng than củi đốt dưới sàn giường là cách làm đã lạc hậu, không còn phù hợp trong thời đại hiện nay. ”

 

Cũng trong bài phỏng vấn trên, Bác sĩ Tạ Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Phụ ngoại – BV Hùng Vương, cho biết thêm:

” Việc sưởi ấm cho phụ nữ sau khi sinh là tốt nhưng dùng than củi để sưởi là không nên. Vì than củi khi đốt sẽ thải ra khí CO2, có thể gây ngộ độc cho cả mẹ và con (nhất là với những căn phòng kín mít). Việc dùng than củi khó điều chỉnh nhiệt độ theo ý muốn nên rất dễ gây bỏng cho cả bà mẹ và em bé.”

Vậy sau sinh mẹ nên giữ ấm cơ thể nhưng không nên nằm than.

5. Có nên bịt bông vào tai sau sinh không?

Bác sĩ chuyên khoa sản Phạm Văn Hùng (Bệnh viện Đống Đa, Hà Nội) trả lời phỏng vấn báo Sức Khoẻ Đời Sống xác nhận điều này là chính xác, và các mẹ nên làm:

“Sản phụ nên nhét bông vào hai lỗ tai để tránh nghe những tiếng động mạnh. “

Bác sĩ Đặng Thu Thủy, khoa Phụ sản, Bệnh viện Công an 198 cung cấp thêm thông tin:

” Việc bịt bông tai cũng là một cách để sản phụ giảm tiếp xúc với gió lùa và tiếng động mạnh gây căng thẳng, stress. Tuy nhiên cũng không cần thiết nếu ở chỗ yên tĩnh và kín gió. “

6. Có được xem tivi, sử dụng smartphone, đọc báo, ngồi máy tính không?

PGS.TS. Phạm Bá Nha khuyên:

” Cuộc đẻ cần một sự gắng sức rất lớn, thêm vào đó sau sinh người phụ nữ có nhiều thay đổi về nội tiết, sinh lý nên họ cần thời gian nghỉ ngơi để được phục hồi.

Sau sinh, cơ thể phụ nữ ở trong tình trạng rất nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường, sức đề kháng kém nên người phụ nữ cần có chế độ nghỉ ngơi và dinh dưỡng phù hợp.

Việc ngồi máy tính sớm cũng sẽ ảnh hưởng đến mắt. Việc đọc sách, xem TV, nghe đài, không cần quá kiêng cữ, tuy nhiên không nên xem TV lâu. Đọc chữ nhỏ, không đủ ánh sáng và chỉ làm khi cảm thấy đã thực sự khoẻ mạnh. Có thể nghe đài, TV nghe nhạc nếu mang lại cảm giác thoải mái. “

7. Có được mặc áo cộc tay khi thời tiết nóng nực?

Bác sĩ Đặng Thu Thủy, khoa Phụ sản, Bệnh viện Công an 198 trả lời báo Vnexpress cho biết:

” Vào mùa đông việc giữ ấm cho sản phụ là cần thiết, do vậy mặc quần áo dài tay và đi tất là rất quan trọng. Nhưng khi thời tiết nóng nực nên giữ cho cơ thể thoáng mát, trong nhà có thể mặc áo cộc tay và không cần đi tất, nhưng cũng không nên ngồi trước quạt mạnh hay điều hòa nhiệt độ quá thấp vì thời điểm này sức đề kháng của người mẹ còn yếu. “

8. Có cần kiêng ngồi xổm không?

PGS.TS. Phạm Bá Nha cho biết:

” Sau khi sinh, cần có thời gian để các dây chằng và bộ phận sinh dục co hồi lại. Tư thế ngồi xổm làm tăng áp lực đè xuống vùng bụng dưới và sàn chậu, khiến các tạng bên trong dễ sa xuống dưới và ra ngoài, gọi là sa sinh dục. Để tránh tình trạng này, sản phụ không nên ngồi xổm, ngay cả khi bình thường cũng không nên ngồi xổm. Các cụ xưa thường khuyên sản phụ sau sinh, khi nằm nên khép chân, bắt chân nọ lên chân kia, không ngồi xổm, tránh mang vác nặng, thậm chí tránh cơn ho là vì vậy. “

Vậy lời khuyên không nên ngồi xổm của các cụ là chính xác các mẹ nhé.

9. Phòng ngủ cần kín gió hoàn toàn?

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Thuận, nhiều người cho rằng, gió là thủ phạm chủ yếu gây sốt sản hậu, vì thế phòng của các bà mẹ thường khép kín, che chắn hết các cửa không cho thoáng khí và gió vào.

Kỳ thực thì gió tự nhiên không có tội gì cả. Đây là quan điểm không đúng, vì phòng các bà mẹ nằm cần có gió và thay đổi không khí cũng như ánh nắng chiếu vào giúp cho sự lưu thông không khí tốt, diệt khuẩn, bụi, nấm mốc không thể phát triển được. Nằm thoáng khí khiến cho oxy được cung cấp đầy đủ trong phòng người mẹ.

Sốt sản hậu là do một số vi khuẩn gây bệnh ẩn trong cơ quan sinh dục của bà mẹ gây nên. Điều này thường là do việc trước khi sinh không được khử trùng sạch sẽ hoặc do bà mẹ không chú ý giữ gìn vệ sinh sau sinh. Nếu môi trường trong phòng không sạch sẽ, không khí không trong lành rất dễ khiến cả mẹ và bé mắc bệnh về đường hô hấp.

10. Có cần kiêng rửa tay, rửa chân nước lạnh?

Giống như đoạn trên đã nói, phụ nữ mới sinh cần kiêng lạnh, do vậy khi rửa tay chân, mẹ nên rửa bằng nước ấm.

11. Giảm đau sau sinh

Bác sĩ CK1 sản phụ khoa Nguyễn Thị Song Hà – Nguyên Bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ khi trả lời phỏng vấn Tạp Chí Bầu cho biết vấn đề giảm đau với mẹ sinh mổ:

Tuần đầu tiên sau sinh, vết mổ cần được các bác sĩ và nữ hộ sinh chăm sóc, vệ sinh hằng ngày. Các thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh hay thuốc giúp co hồi tử cung  sẽ được cho để tránh nhiễm trùng, giảm đau cũng như giúp tử cung co hồi tốt.

Các mẹ nên nhớ, nếu đau bụng cứ yêu cầu bác sĩ cho sử dụng thuốc. Không nên cố gắng chịu đau, điều đó sẽ làm các mẹ bị kiệt sức và choáng váng. Sử dụng thuốc giảm đau sau sinh mổ là hoàn toàn bình thường, những loại thuốc này không ảnh hưởng đến chất lượng sữa của các mẹ.

12. Vận động nhẹ sau sinh mổ

Khi cảm thấy bớt đau, các mẹ có thể vận động nhẹ với sự giúp đỡ của người thân. Vận động nhẹ khiến nhu động ruột phục hồi tốt và tránh được táo bón. Ngoài ra, vận động nhẹ cũng giúp phòng ngừa các bệnh như viêm tắc tĩnh mạch, giảm nguy cơ sau phẫu thuật như dính ruột,… Việc vận động đi lại nhẹ nhàng giúp các chức năng của cơ thể phục hồi nhanh hơn.

 

Bác sĩ Song Hà thông tin thêm:

Vận động sau mổ còn tùy thuộc vào thể trang của mỗi người và cuộc mổ khó hay dễ trước đó. Nếu bạn có cuộc mổ khó khăn mất nhiều máu thì không nên vận động quá sớm nếu không dễ gặp nguy hiểm do té, ngã… vì cơ thể cần có thời gian lâu hơn để hồi phục.

13. Vết rạch tầng sinh môn bao lâu sẽ lành lại?

KHOẢNG 10 NGÀY

Nếu kiêng cữ tốt, vết thương sẽ lành trong 10 ngày. Không nên để thời gian (vết thương lành và vết khâu biến mất hoàn toàn) kéo dài hơn 1 tháng. Khi vết thương lành, các mẹ có thể thấy chỉ khâu thừa rơi xuống quần lót.

14. Giảm đau tầng sinh môn như thế nào?

Để giảm bớt sự đau đớn sau khi khâu vết cắt tầng sinh môn, các mẹ nên:

  • Thay băng vệ sinh thường xuyên. Rửa sạch tay trước và sau khi thay nó và nên tắm hàng ngày. Điều này sẽ giúp giảm nguy cơ bị nhiễm trùng vết thương
  • Các mẹ hãy hỏi người hộ sinh về miếng đệm ngồi lót, có thể mua hoặc thuê. Đó là miếng đệm được thiết kế đặc biệt có thể phồng lên để lót bên dưới khi ngồi, tạo độ kênh với mặt phẳng ngồi và tránh cọ xát vào vết thương. Miếng đệm luôn tạo cảm giác thoải mái trong khi ngồi hoặc thậm chí là cho con bú, xem ti vi hay ngồi ô tô
  • Tắm bằng nước ấm. Lau nhẹ nhàng chỗ khâu bằng khăn sạch, mềm
  • Giữ cho vết thương được thông thoáng, có thể cởi đồ lót và nằm nghỉ ngơi trên giường với một chiếc khăn để bên dưới khoảng 10 phút, mỗi ngày 1-2 lần
  • Khi đi tiểu, nên để nước ấm chảy từ từ qua âm đạo giúp làm dịu cảm giác buốt hoặc xót do nước tiểu gây ra
  • Uống thuốc đúng giờ và theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Hầu hết các bà mẹ sẽ được kê đơn dùng paracetamol để giảm đau, nhưng không được uống quá liều lượng khuyến cáo cho mỗi ngày. Nếu cần thuốc có tác dụng giảm đau mạnh hơn hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng, đặc biệt với mẹ có trẻ bị sinh non hoặc nhẹ cân, vì một số thuốc không tốt cho bé.

Nếu không có cách nào giúp các mẹ giảm đau thì có thể các mẹ đã bị nhiễm trùng. Nên gặp người hộ sinh hoặc bác sĩ chuyên khoa để họ kiểm tra lại vết khâu và có cách điều trị.

15. Những dấu hiệu cần lưu ý trong thời gian hậu phẫu

Sốt là phản ứng của cơ thể với tình trạng nhiễm trùng. Tuy nhiên, mẹ cũng có thể sốt do mặc ấm quá mức, nằm than, thiếu nước. Vì vậy mẹ cần uống nhiều nước, nếu mùa nóng nên mặc quần áo thoáng mát, có thể nằm điều hòa, nhưng nên có những phút tắt điều hòa mở cửa cho phòng thông thoáng.

Sản dịch: Dù bạn sinh mổ, sản dịch vẫn sẽ chảy ra ngoài âm đạo như khi sinh thường và đây là dấu hiệu cho thấy tử cung đang hồi phục tốt. Các mẹ cần lưu ý nếu thấy sản dịch không chảy ra sau sinh, sản dịch có mùi hôi hay sản dịch có màu đỏ tươi trở lại, cần phải báo ngay với bác sĩ vì đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng hậu sản, sót nhau hoặc băng huyết rất nguy hiểm với bà mẹ sau sinh.

Vết mổ sưng đỏ, đau hoặc tiết dịch: Vết mổ là vết thương, do vậy cần giữ khô sạch để tránh nhiễm trùng. Nếu vết mổ sưng đỏ đau hoặc chảy dịch vàng là những dấu hiệu bất thường, mẹ cần đến bệnh viện ngay lập tức.

16. Sản dịch có màu gì và trông như thế nào thì bình thường?

Trong vài ngày đầu tiên sau khi sinh, sản dịch có chứa một lượng máu khá lớn, vậy nên nó có màu đỏ tươi và trông giống một chu kỳ kinh nguyệt. Nó có thể thoát ra liên tục trong các tia phun nhỏ hoặc chảy thành dòng. Nếu mẹ nằm xuống trong một khoảng thời gian và có một lượng máu đã tích tụ trong âm đạo, khi thức dậy mẹ có thể thấy một số cục máu đông nhỏ.

Nếu mọi thứ diễn ra bình thường, mẹ sẽ tiết ra một chút sản dịch mỗi ngày, và từ 2 – 4 ngày sau sinh sản dịch sẽ chảy nhiều hơn và có màu hồng nhạt. Khoảng mười ngày sau sinh, mẹ chỉ nên có một lượng nhỏ chất dịch màu trắng hoặc màu vàng trắng.

17. Bao lâu thì hết sản dịch?

Sản dịch sẽ giảm dần dần trước khi hết hẳn, quá trình này thông thường phải mất thêm 2 – 4 tuần, mặc dù một số ít phụ nữ vẫn tiếp tục tiết ra sản dịch (một lượng rất ít) hoặc thỉnh thoảng xuất hiện đốm máu trong hơn một vài tuần.

18. Bao lâu thì có kinh trở lại

Chu kỳ của phụ nữ thông thường trở lại trong khoảng 6 – 8 tuần sau khi sinh con nếu các mẹ không cho con bú. Nếu cho con bú, khoảng thời gian này có thể lâu hơn. Một số mẹ còn không có kinh nguyệt trong suốt khoảng thời gian cho con bú. Nhưng với nhiều mẹ, chu kỳ này sẽ quay lại sau 2 tháng dù họ có cho con bú hay không.

19. Rụng tóc sau sinh

Rất nhiều bà mẹ bị sốc khi phát hiện mái tóc sau sinh rụng nhiều hơn so với bình thường. Tuy nhiên, đây không phải vấn đề lo ngại mà hoàn toàn bình thường. Hầu hết mái tóc các mẹ sẽ ổn trở lại khi đứa trẻ lên 1 tuổi.

20. Rạn da sau sinh

Các vết rạn trên da sau sinh (thường ở bụng, mông đùi…) sẽ không biến mất, nhưng chúng có thể mờ đi theo năm tháng. Mới đầu các vết rạn có màu hồng, nâu đỏ hoặc tím rồi sau đó chuyển thành màu sáng hơn màu da.

Hiện cũng có rất nhiều loại kem bôi và kem dưỡng mẹ có thể thử để khắc phục nếu như không tự tin với những vết rạn trên da. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm quảng cáo có thể xóa đi vết rạn thực chất chỉ có tác dụng dưỡng ẩm, làm giảm, chưa có bằng chứng nào chứng minh hiệu quả đặc biệt của những loại kem này, hay loại nào dùng tốt hơn loại nào.

 

Sưu Tầm/Tổng Hợp

Nguồn Utemshop

Loading...
Tags:
Leave a Comment