Sau giờ học, nữ sinh lớp 11 đi chơi với bạn trai đến 23h. Cả hai đều là thành viên đội tuyển học sinh giỏi của trường.
Nhìn vào thành tích học tập tốt, nhiều phụ huynh yên tâm rằng con đã có tính tự giác, biết suy nghĩ và tự lo cho bản thân. Tuy nhiên, họ không biết giữa “con giỏi” và “con ngoan” là một khoảng cách lớn.
Mai là nữ sinh lớp 11 của một trường chuyên tại Hà Nội. Em luôn tự giác học tập, gia đình ít khi phải đôn đốc. Với học lực vượt trội, Mai được gọi vào đội tuyển học sinh giỏi của trường.
Gần đây, tuy kết quả học tập vẫn tốt, hết giờ học, Mai lại đi đến 23h mới về nhà. Đôi khi, người nữ sinh xuất hiện nhiều vết bầm tím. Gia đình lo lắng tìm hiểu nguyên nhân thì phát hiện Mai đang hẹn hò với một nam sinh tên Hùng. Nam sinh này cũng nằm trong đội tuyển học sinh giỏi của trường.
Khi gia đình tìm cách khuyên nhủ, Mai lại mang bảng thành tích học tập của mình ra làm “lá chắn”. Trước đó, gia đình từng động viên “con cứ học giỏi thì cái gì cũng có“.
Đó là một trong số nhiều trường hợp TS Vũ Thu Hương (Đại học Sư phạm Hà Nội) gặp phải thời gian gần đây. Là chuyên gia tư vấn tâm lý học đường, bà Hương thường được nhiều phụ huynh nhờ giúp đỡ khi con cái có biểu hiện tiêu cực.
Nữ tiến sĩ dẫn chứng một trường hợp khác, với nam sinh tên Thanh Tùng, 17 tuổi. Tùng thử nhiều kiểu tệ nạn, từ ma túy đến mại dâm. Em lúc nào cũng dán mắt vào smartphone. Tiền tiêu vặt được gia đình chu cấp đều đặn. Đến nay, nam sinh bắt đầu bộc lộ một số vấn đề về thần kinh, gia đình phải tìm đến chuyên gia tâm lý để “kêu cứu”.
Điều đáng nói, các em “có vấn đề” trên đều là học sinh giỏi, học trường chuyên, đạt nhiều giải thưởng và…. gia đình có điều kiện. Có những trường hợp bố mẹ đầu tư cho con du học, sau đó phải đưa về nước vì phát hiện con quan hệ tình dục bừa bãi.
Trường hợp khác, một cô bé lớp 10 thổ lộ với TS Hương về việc quan hệ tình dục trước tuổi. Nữ sinh còn hút cần sa và uống bia rượu…, tuy nhiên thành tích học tập vẫn đảm bảo tốt. Em vẫn đóng tròn vai “con ngoan, trò giỏi” trong mắt cha mẹ và thầy cô.
Theo TS Vũ Thu Hương, một cô giáo lớp 5 từng than vãn với bà về việc học sinh của mình chép truyện sex vào sổ rồi mang đến lớp.
Với việc tiếp cận Internet sớm, chủ đề tình dục xuất hiện tràn lan ngay từ môi trường tiểu học.
Trực tiếp phỏng vấn từng học sinh, TS Hương nhận thấy các em “hư sớm” không phải do tiếp xúc những nhóm người xấu ở ngoài trường học. Ngay chính môi trường sư phạm cũng có thể nuôi dưỡng tệ nạn. Sự len lỏi của những thông tin xấu trên mạng Internet khiến cho bức tường trường học không còn đủ vững để bảo vệ học sinh.
Về phía học sinh, đa số vẫn có tâm lý giấu, ngại chia sẻ chuyện tình cảm với bố mẹ. Nhiều bạn thấy bố mẹ lập Facebook là lo sợ cuộc sống trên mạng của mình sẽ bị khám phá, lập tức “chặn face” hoặc ẩn đi những dòng trạng thái nhạy cảm.
Các em vẫn hàng ngày cắp sách đến trường, diễn tròn vai “con ngoan, trò giỏi“. Tuy nhiên, khi chỉ có học sinh với nhau, các em nói chuyện gì, bàn luận chủ đề nào, gia đình và thầy cô không thể kiểm soát.
Những sai lầm của phụ huynh
“Mấy ngày nay, nghe tâm sự của cha mẹ các bạn ấy, tôi cứ thầm ước ao: Giá như họ đừng quá chủ quan đánh đồng học giỏi với ngoan… Giá như họ đừng coi tiền có thể bù đắp mọi thứ cho trẻ… Giá như họ tôn trọng pháp luật và xây dựng luật lệ gia đình…“, TS Hương chia sẻ.
Khi con trẻ đã sa ngã, mối lo lớn nhất là sự ảnh hưởng đến kết quả học tập và quan trọng hơn là vấn đề an toàn tình dục.
Để giúp phụ huynh ngăn ngừa việc con hư sớm, nữ tiến sĩ đã liệt kê ra 7 sai lầm dẫn đến tình trạng trên.
Sai lầm đầu tiên là việc chiều con vô lối. Mỗi khi con đòi hỏi thứ gì là cung cấp ngay vì nghĩ con học giỏi là ngoan. Có đứa trẻ coi 300 triệu là số tiền nhỏ. Việc bố mẹ chi tiền cho con ăn học là phải làm vì quá đơn giản.
“Đến hết lớp 9, khoảng 10% học sinh từng quan hệ tình dục, hết lớp 12 thì con số này là 39%, 10% học sinh THPT cho biết từng quan hệ với từ 3 người trở lên“, theo nghiên cứu được công bố đầu năm 2018 của TS tâm lý Trần Thành Nam, sau khi khảo sát tại một số trường ở nội và ngoại thành Hà Nội.
Thứ hai, cha mẹ không xây dựng quy tắc trong gia đình. Các thành viên cứ bạ đâu sống đó, từ giờ giấc ăn uống, sinh hoạt cho đến việc vui chơi, giải trí, học tập. Cuộc sống thiếu tôn trọng luật lệ.
Tiếp đó, mỗi khi con phạm lỗi, cha mẹ la mắng con ầm ĩ nhưng sau đó chẳng phạt gì hết. Không có một hình thức giáo dục nào khác ngoài mắng chửi (thỉnh thoảng đánh). Đứa trẻ dần hình thành phản ứng chờ đợi “cơn điên” của bố mẹ qua đi chứ không hề rút kinh nghiệm.
Nguyên nhân thứ tư là cách ứng xử “tiền hậu bất nhất” của cha mẹ. Bản thân phụ huynh cũng có cách sống, sinh hoạt không gương mẫu nên con cái lôi ra để nói lại cha mẹ lúc chúng bị la mắng.
Thứ năm, cha mẹ chấp nhận các lý do khiến trẻ phạm lỗi để dựa vào đó tha thứ cho trẻ. Từ đó, trẻ hình thành một phong cách bao biện siêu đẳng. Mọi lỗi lầm đều được trẻ chối cãi rất nhanh.
Thứ sáu, bố mẹ để trẻ không phải làm bất kể việc gì vì có người giúp việc lo tất. Vì thế, trẻ dần trở nên vô trách nhiệm.
Cuối cùng, các cha mẹ chưa ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng một kế hoạch dạy con dài hơi và cụ thể như thế nào.
* Tên học sinh đã thay đổi.
Nguồn : Tokhoe
( Hình ảnh minh họa – Internet )
Leave a Comment
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.