Xin con đừng “ngoan” !

Bé con nghịch nước, bà nó bảo:” nghịch quá bà không yêu nữa đâu, phải ngoan thì mới được yêu”. Tôi im lặng. Sau khi lau người và thay quần áo cho con, tôi cùng con đọc sách. Đọc xong tôi an ủi con:” Chắc con buồn lắm… Lần sau mẹ và con sẽ cùng nghịch nước nhé! Mẹ vẫn luôn yêu con, con ngoan của mẹ!” . Cậu bé tiếp tục chơi với chiếc ô tô của nó, còn tôi thì ngồi thừ người ra suy nghĩ về chữ NGOAN.


Con tôi 17 tháng đã có thể tự xúc cơm ăn, và ăn uống đối với nó là cả 1 sự hưởng thụ vui vẻ, như vậy không ngoan sao? Cai sữa mẹ, nó chỉ khóc 2 đêm rồi bú 1 bình sữa 200ml chỉ trong vòng 5p, ngủ thẳng giấc 11 tiếng đến sáng hôm sau, như vậy không ngoan sao? 19 tháng, nó nhớ được tất cả tựa bài thơ trong 4 quyển thơ Mầm Non, 21 tháng có thể đọc thuộc lòng gần chục bài thơ ngắn, nhớ được rất nhiều từ đơn, cờ các nước, phân biệt được thẻ Dot, gọi tên được hơn 30 loài chim, hoa, côn trùng, bò sát, đồ vật, bộ phận v…v.. như vậy không ngoan sao? Nó chơi đùa vui vẻ mỗi ngày, ham thích tìm tòi khám phá và sẵn sàng thể hiện kiến thức nếu được hỏi, như vậy không ngoan sao?

Mọi người trêu chọc nó bằng những câu từ khó nghe, vì nó hiểu được từ đó nên nó phản kháng, nó hét lên, và từ đó nó không thích những người đó nữa. Điều đó là bất bình thường sao? Mọi người nhận xét 1 đứa trẻ 22 tháng là” tính khí khó chịu, không hòa đồng” có ổn không? Mọi người ngăn cản nó chơi trò mà nó thích nhưng lại không bày ra được trò gì hấp dẫn hơn, không ai chơi cùng nó mà lại không vui khi nó tìm cách chơi 1 mình. Theo như lời họ nói, 2 đứa trẻ 9 tuổi và 6 tuổi- anh họ của con tôi- từ bé đã “được đe” không cho nghịch nước, chúng sẽ bị đánh, bị mắng nếu như nghịch bẩn hoặc làm vỡ đồ đạc trong nhà.

Chúng phải ngồi yên xem tivi cả ngày để bố mẹ làm việc, ông bà làm việc thì mới ngoan. Hiện tại cũng thế, đi học về nhiệm vụ của chúng là xem tivi, không xem tivi thì chơi game trên máy vi tính, ngoài ra không được nô đùa rượt đuổi nhau, không được leo trèo, không được ra đường chơi và nhiều thứ không được nữa. Cụ nhà tôi kể, thằng bé bằng tháng với con tôi, cháu bà hàng xóm nhìn thấy bà nó giặt quần áo chỉ đứng xem rồi vào nhà với ông, nó ngoan lắm chứ không nghịch như con tôi, chỉ cần đe nó ngay từ đầu thì nó sẽ ngoan như vậy, vì tôi chiều con, cho con nghịch nước nên giờ cứ thấy nước là nó nghịch v…v… Tôi chợt nghĩ, cậu bé ngoan ngoãn nhà hàng xóm kia thật bất hạnh, có lẽ cậu bé đã phải ấm ức lắm, có lẽ cậu bé cũng đã từng sờ vào nước để khám phá xem nhiệt độ của nước là thế nào, đã từng múc nước đổ liên tục để xem làm cách nào mà nước lại chảy xuống, thế nhưng tất cả niềm say mê đó đã bị gia đình dập tắt, ngăn cản thậm chí quát mắng đến nỗi bây giờ trò chơi cùng chậu nước, với cậu bé chỉ còn là 1 thứ xa xỉ không dám động vào.

Người lớn thường áp đặt những kiến thức và kinh nghiệm mình có lên trẻ nhỏ, và che đậy sự áp đặt đó bằng những lí do “kinh điển” như:” Muốn tốt cho trẻ, làm vậy là yêu thương bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật, khỏi nguy hiểm, là dạy trẻ biết vâng lời người lớn, dạy trẻ ngoan ngoãn v…v..” Vâng, người lớn đã thành công, con cái họ khá là ngoan mà, phải không? Ngoan là người lớn bảo gì nghe nấy, bảo ngồi xem tivi thì ngồi yên xem tivi, bảo ngưng chơi đùa thì 1 là lập tức ngưng chơi đùa , 2 là bị phát mấy roi vào mông, mếu máo đi vào ngồi yên xem tivi tiếp… Nhưng sau khi chúng ngoan như vậy rồi, chúng sẽ không dám khám phá những gì mới mẻ nữa, vì chúng e sợ nguy hiểm, sợ dơ bẩn, sợ bị đòn ,bị mắng. Chúng sẽ không biết được bản chất thật sự của những kiến thức mà chúng học trên trường vì chưa bao giờ chúng được trải nghiệm thực tế. Làm sao biết được loại đất này xốp hơn loại đất kia như thế nào nếu không tự tay sờ vào?” Ôi bẩn lắm, đừng nghịch đất nghịch cát kinh lắm” Trong đầu bọn trẻ con “ngoan ngoãn” chắc chắn sẽ hiện lên câu này nếu giáo viên giao bài tập về nhà cho chúng là tự trồng cây. Tôi nghĩ đến đây chợt bật cười.

Tôi vui mừng vì con tôi đã không ngoan theo cách đó. Nó chỉ chơi với món đồ chơi mới trong vòng 5-10 phút, sau đó là 1 trò chơi thú vị khác mà nó tự nghĩ ra, tháo hết pin của chiếc xe ra chẳng hạn, rồi tháo tới mui xe, bánh xe, động cơ bên trong xe, và cho xe vào thùng ” nghỉ ngơi”, nó bắt đầu chơi với chiếc quạt, chơi với nước, với 1 cái que kem, nó có thể xới tung 1 đám đất sau vườn lên, tự mình tìm được 1 cây non mới nhú, nó chạy ù về khoe mẹ. Con trai tôi, nó vẫn thường xuyên đi chân đất và leo trèo khắp nơi, mặt mũi đen nhẻm với nụ cười trên môi, mồ hôi nhễ nhại vì hì hục chơi với cái bơm xe đạp. Và nó sẵn sàng nói không với bất kì ai làm nó khó chịu, thậm chí hét lên nếu có sự trêu đùa quá đáng. Còn tôi, tôi đang trở thành 1 bà mẹ vô cùng tệ trong mắt mọi người trong nhà khi không thể giáo dục con ” ngoan” theo cách của họ. Tôi để con tôi chơi đùa tự do, quần áo lấm lem. Tôi thật tệ! Tôi cho phép con nhặt rau cùng tôi, giặt quần áo cùng tôi, để con tự rửa tay, tự rửa đồ chơi, tự xúc ăn, tự nín sau khi khóc thỏa thích, tôi thật tệ! Tôi không cho con xem tivi, suốt ngày giải thích và giải thích, nhỏ nhẹ và nhỏ nhẹ với con, không nghiêm khắc phạt con khi con nghịch ngợm, tôi quá tệ rồi!

Nhưng con trai của mẹ à, mẹ yêu con rất nhiều, mẹ không thể thốt ra được câu nói” không ngoan thì không yêu nữa” . Con hãy luôn vui vẻ và can đảm khám phá thế giới đầy sắc màu này mà không cần bận tâm đến việc phải ngoan đến mức độ nào thì mới được yêu thương, vì mẹ… mẹ mãi mãi yêu thương con cho dù con ngoan hay con hư. Mẹ xin con, đừng ngập ngừng trước những ước muốn của con, xin con đừng ” ngoan”, con hãy mạnh mẽ, hãy táo bạo và sáng tạo cuộc sống theo cách của riêng con, con nhé!!!

 

 

Nguồn : fb Nguyễn Hà

Ảnh nguồn : Internet

Loading...
Tags:
Leave a Comment