Xin hãy lắng nghe tôi, tôi viết những dòng này cho cả các cháu thân yêu trong gia đình mình đọc. Tôi cũng muốn chia sẻ cho mọi người – khi mà giờ quá nhiều thông tin nhiễu loạn, thông tin cố tình đưa sai để dắt mũi dư luận.
“Hãy bình tĩnh và đừng dao động. Điều bạn thấy chưa chắc đúng và điều bạn nghe chưa chắc là sự thật. Hãy cảm nhận mọi thứ từ trong tâm bạn”
Nếu tôi làm cha, tôi sẽ ngưng nhậu vài ngày, làm thêm cuối tuần để tôi có thêm ít tiền và tôi sẽ đưa con tôi tiêm 1 mũi tiêm dịch vụ và rồi về nhà ăn ngon – ngủ yên. 930.000 đồng cho 1 mũi tiêm và tôi sẽ an tâm vì con tôi không bị biến chứng của vaccine (?). Nghe có vẻ hợp lý đúng không ? Nhưng sự thật là sai.
Vì sao ư ?
Bất kể thuốc gì thì cũng luôn có một tỷ lệ biến chứng nhất định. Không bao giờ có thuốc nào không có biến chứng. Giờ ai dám đứng đảm bảo với dân ta rằng Pentaxim – loại vaccine mọi người cho là “an toàn” kia KHÔNG BAO GIỜ GÂY BIẾN CHỨNG.
Tôi sẽ lí giải cho các bạn tại sao các bạn “sợ” Quinvaxem. Cách đây 2 năm, một loạt bài báo đưa tin về các bé biến chứng sau tiêm Quinvaxem, thậm chí 1-2 trường hợp tử vong sau tiêm. Khi đó, mọi người ai cũng nghĩ rằng Pentaxim tốt hơn vì không bị như vậy. Nhưng rất có thể đó là chiêu hạ bệ Quinvaxem và nâng tầm Pentaxim. Bởi lẽ, nhà nước ta nhập Quin về tiêm miễn phí cho 5,5 triệu dân mỗi năm. Còn Pen là do các công ty nhập về bán và tiêm chủng dịch vụ. Bạn nghĩ họ sẽ bán khơi khơi như vậy mà không có một chiêu trò PR, quảng cáo nào hết.
Các chuyên gia Y tế đã tham gia vào tìm nguyên nhân nhưng mình theo dõi thì hầu hết các bố mẹ không đồng ý mổ tử thi tìm nguyên nhân. Mà không mổ tử thi thì chấp nhận là không bao giờ có câu trả lời chính xác nhất. Xin thưa là ở nước châu Âu, kể cả vaccine dịch vụ (Pentaxim, Infanrix…) cũng có vài chục trường hợp chết hàng năm bởi vaccine dịch vụ.
Thống kê Quin biến chứng nhiều hơn Pen?
Có một điều khá nực cười đó là nhiều kẻ chả biết gì về thống kê lại dám đi dùng thống kê để tuyên truyền cho dân mình. Một loại thuốc tiêm 5,5 triệu liều mỗi năm, biến chứng 16 trường hợp lại mang so sánh với một loại thuốc tiêm vài ngàn mũi mỗi năm, chưa ghi nhận biến chứng. CHƯA biến chứng thôi chứ không phải là KHÔNG. Thử hỏi, dùng Pen cho 5,5 triệu đứa con nít đi. Khi đó số trẻ biến chứng thấp hơn Quin thì tôi đồng ý Pen tốt hơn. Đằng này là 2 cỡ mẫu khác nhau lại so sánh với nhau.
=> Sự so sánh này hoàn toàn khập khiễng và không có giá trị về mặt thống kê.
Pen tốt hơn Quin?
Quivaxem chứa nhiều 5 thành phần, trong đó thành phần gây tranh cãi nhất là Ho gà và nó ở dạng bất hoạt (inactivated) chứ không phải là “sống” (live). Có 2 loại là bất hoạt toàn tế bào (whole cell) và vô bào (chỉ một số thành phần tế bào). Loại vô bào là loại tân tiến hơn, ít tác dụng phụ hơn (do tính kháng nguyên không mạnh), nhưng giá thành lại đắt hơn nhiều.
Quinvaxem chứa thành phần Ho gà là toàn tế bào do vậy nó có thể gây ra tình trạng dị ứng nặng hơn so với vắc xin khác (như Pentaxime). Tuy nhiên, người ta lại cho rằng vì chứa toàn tế bào nên nó mới có khả năng sinh ra đáp ứng miễn dịch (hiệu quả) tốt hơn.
Tuy nhiên, tất cả các nghiên cứu đa trung tâm và dữ liệu từ các nước tiêm chủng Quinvaxem của WHO ghi nhận rằng “Quinvaxem vẫn là một loại vaccine rất an toàn !”
=>Cái gì cũng có cái giá của nó. Tốt hơn hay xấu hơn hãy đợi các chuyên gia trả lời. Nhưng nhìn chung về sự an toàn là cả hai NHƯ NHAU.
Tại sao Việt Nam không nhập Pen về rồi tiêm cho toàn dân và dân đóng thêm tiền?
Chúng ta không phải ai sinh ra cũng may mắn có điều kiện, được sống thành phố, được kết nối internet, được có công việc ổn định.
Chúng ta hãy nhìn sang hàng triệu em bé ngoài kia đi theo mẹ trong nắng nôi để bán vé số, hàng triệu trẻ em dân tộc thiểu số. Hàng triệu trẻ em bị cha mẹ chúng bỏ rơi phải nằm trong các nhà thiện nguyện….
Mỗi đứa trẻ tiêm 3 liều nghĩa là 3 triệu đồng/ 1 em bé. Vậy số tiền Nhà nước chúng ta phải bỏ ra là rất lớn.
Vậy tại sao chúng ta lại bỏ tiền lớn ra dùng một loại thuốc mà nó KHÔNG HỀ CÓ KHÁC BIỆT VỚI LOẠI ĐANG DÙNG. Ai dùng lập luận Quin gây tử vong nhiều còn Pen thì chưa thì xin mời đọc lại đoạn ở phía trên nha
Việt Nam đứng trước bài toán là Nhà nước cần chi tiền cho hàng triệu liều, hiện nay chúng ta không thể lấy số tiền hiện có mà đi mua vắc xin VÔ BÀO (đắt) hàng triệu liều hàng năm được ạ. Quinvaxem xin rút số đăng ký ở Việt Nam do họ tự nguyện, liên quan tới chiến lược kinh doanh thôi. Bộ y tế đang gấp rút tìm kiếm vắc xin thay thế mới.
=====================================
TÓM LẠI
1. Quyền tiêm chủng loại nào là quyền của các bố mẹ. Tôi luôn ủng hộ. Nhưng Quin thua Pen là hoàn toàn không có cơ sở. Bài viết này chẳng nhằm mục đích quảng cáo cho bất kỳ thuốc nào cả.
2. Dù là Quin hay Pen. Lời khuyên chân thành của tôi đó là hãy đưa con tiêm chủng và chủng ngừa đầy đủ theo lịch Tiêm Chủng Quốc Gia. Đừng “đợi” thuốc xịn rồi chẳng may có chuyện gì thì các bạn tính già hoá non, muốn tốt cho con lại thành ra đưa con vào nguy kịch.
3. Không phải ai cũng có điều kiện. Vậy nên ai tiêm loại nào thì cứ việc tiêm. Nhưng đừng cổ xuý hay nói xấu loại còn lại. Nó không giúp con bạn khoẻ hơn nhưng nếu người khác nghe theo mà bỏ tiêm thì rất là tệ hại.
4. Nếu không tạo được miễn dịch cộng đồng thì không chỉ một vài chục cái chết được đổ tội cho vắc xin, mà là hàng trăm, hàng nghìn, hàng chục nghìn… người mắc bệnh và tử vong do bệnh dịch.
5. Lời khuyên cho các bố mẹ : Ngày tiêm chủng, sau khi tiêm, nên ở lại trạm Y tế ít nhất từ 30 phút tới 2 giờ đồng hồ để theo dõi các phản ứng của cơ thể bé sau tiêm. Nếu có vấn đề gì thì can thiệp sớm sẽ ít biến chứng. Đặc biệt là bố mẹ nhà xa. Tìm hiểu thật kỹ các nguồn tin chính thống về chăm sóc sau tiêm vaccine (nếu muốn thì tôi viết tối nay).
6. Dù là Quin hay Pen. Tôi vẫn khuyên các cháu của tôi được tiêm chủng. Có Quin thì dùng Quin. Hết Quin thì chuyển sang Pen. Có Quin lại thì dùng Quin lại. Miễn sao, các bé đừng bỏ mũi tiêm quan trọng đầu đời nào là được. Với tôi, đó là cách tốt nhất tôi giúp được cho chính các cháu của tôi.
=====================================
Một người cậu, người chú, người bác sĩ.
Nguồn : FB Nguyễn Thanh Sang
Leave a Comment
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.